Thị trường BĐS liền thổ ở các tỉnh lân cận TP.HCM và Hà Nội sẽ duy trì kết quả khả quan
VnDirect cho rằng xu hướng "di cư" đến các tỉnh lân cận TP HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục là xu hướng chính trong năm 2021, chủ yếu do giá bán tại các khu vực này vẫn ở mức thấp hơn, tương đương giá bán tại các khu vực trung tâm 4-5 năm trước đây. Do đó, khu vực này hứa hẹn một tiềm năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư do các chủ đầu tư mua đất ở đây có chi phí thấp hơn các khu trung tâm.
Ngoài ra, những dấu hiệu tích cực về hoạt động đầu tư công trong năm 2020, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng có khả năng kích cầu BĐS. Năm 2020, Chính phủ đã đề xuất chi ngân sách cho đầu tư công 2,75 triệu tỷ đồng cho giai đoạn 2021-25, tăng 37,5% so với giai đoạn 2016-2020, phê duyệt mở rộng tuyết đường cao tốc TP HCM-Long Thành và khởi công xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vào tháng 9/2020.
Tại Tp.HCM, việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây và ven biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết đã nâng giá đất tại một số khu vực như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Phan Thiết, Bình Thuận và Đồng Nai lên 50-100% trong vòng một năm. Công ty chứng khoán này cho rằng các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn tại các khu vực này sẽ được hưởng lợi từ giá đất tăng. Một số dự án có thể sẽ ra mắt năm 2021 bao gồm: i) Gem Sky World tại Đồng Nai (khoảng 4.000 căn), ii) NovaWorld Phan Thiết; iii) Aqua City và Waterfront tại Đồng Nai; và iv) Southgate giai đoạn 2 tại Long An.
Tương tự như Tp.HCM, các dự án lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng được kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Hải Phòng, Thái Nguyên, Hoà Lạc, Quảng Ninh là các khu vực được kỳ vọng sẽ bùng nổ nhu cầu nhờ việc mở rộng các tuyến đường cao tốc đến biên giới và ven biển ở miền Bắc cùng các tuyến đường cao tốc đang được xây dựng/quy hoạch như Vân Đồn – Móng Cái, Ninh Bình – Hải Phòng, Hữu Nghị - Chi Lăng.
Bình Dương đang trở thành một điểm nóng
Nổi lên như một trung tâm công nghiệp phía Nam Việt Nam với 28 khu công nghiệp cung cấp xấp xỉ 13.500 ha bao gồm VSIP, Becamex, KCN Việt Hương, KCN Nam Tân Uyên,v.v., Bình Dương đang nổi lên như một điểm sáng thu hút vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Tính đến tháng 9/2020, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (sau TP HCM và Hà Nội) với 3.855 dự án, thu hút tổng vốn đăng ký đạt 34,9 tỷ USD từ 65 quốc gia.
Theo Sở Xây dựng Bình Dương, tỉnh hiện đang có khả năng thu hút hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân, từ đó giúp tăng nhu cầu về căn hộ, đất nền và nhà phố từ phân khúc bình dân tới cao cấp trong bối cảnh mở rộng 34 KCN trong những năm tới.
Bình Dương không chỉ thu hút các chủ đầu tư hàng đầu trong nước như Vinhomes (VHM), Đất Xanh (DXG) và Phát Đạt (PDR) mà ngay cả các nhà phát triển nước ngoài như Sembcorp và Tokyu. Theo CBRE, trong 9T20, nguồn cung căn hộ mới tại Bình Dương đạt 8.289 căn từ 8 dự án, chỉ kém 10% so với TP HCM. Tỷ lệ hấp thụ 9T20 tại Bình Dương đạt 96,6%, tương đương với TP.HCM nhờ nhu cầu cao tới từ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân tại khu vực này. Tính đến tháng 10/2020, giá căn hộ đã đạt xấp xỉ 30-40 triệu/m2, tăng đáng kể từ mức 20-25 triệu/m2 trong năm 2018.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, 114 dự án khu dân cư đã được phê duyệt theo quy hoạch 1:500 trong 9T20, trong đó đáng chú ý phải kể đến dự án Đại Phúc City (19,6 ha), dự án Suối Giữa (30,6 ha), đô thị Bình Quới (34 ha), khu dân cư Nam Tân Uyên (70 ha), cung cấp tổng cộng 50.000 – 60.000 căn trong các năm tới.
VnDirect kỳ vọng sẽ có 20.000 căn hộ chung cư mới được tung ra trong Q4/2020-2021 tại Bình Dương từ các dự án Astral City (5.000 căn), Anderson Park (2.500 căn), Opal Sky View (1.500 căn), New Galaxy (khoảng 2.000 căn), The Emeral Gold View (khoảng 1.100 căn) và Opal Central Park (khoảng 8.500 căn).
Các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường BĐS năm 2021 sôi động hơn
Việc quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid–19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Tuy nhiên, điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty BĐS có tiềm lực mạnh về tài chính. Ngoài ra, theo Colliers Việt Nam, trong 9T20, có ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam, một con số đáng ngạc nhiên khi so sánh với 12-15 nhà phát triển nước ngoài hiện tại (theo quan sát của VnDirect. Điều này nhờ việc Việt Nam kiểm soát tốt sự bùng phát đại dịch Covid-19.
Các thương vụ M&A, đặc biệt là việc chuyển nhượng các dự án thành phần trong các dự án có quy mô lớn được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quỹ đất. Theo quan sát của VnDirect, một số dự án từ các công ty lớn hiện đang trong quá trình đàm phán, một số đã hoàn tất đàm phán các điều khoản tài chính quan trọng trong Q4/2020. Công ty chứng khoán này kỳ vọng các thương vụ này sẽ được hoàn tất trong năm 2021 nhờ các cải tiến trong khuôn khổ pháp lý từ Luật Đầu tư mới năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Một ví dụ về thương vụ M&A nổi bật gần đây phải kể đến việc Novaland (NVL) hoàn tất thương vụ mua lại 286 ha tại Đồng Nai cùng một số thương vụ nhỏ lẻ với các địa phương, với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị