Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện những bê bối “cướp lượt” vaccine tại nhiều quốc gia, khiến những người đối mặt với nguy cơ nhất lại không được tiêm phòng vaccine.
Bộ Y tế Ba Lan vừa mở một cuộc điều tra sau khi có thông tin nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm các chính trị gia, diễn viên nổi tiếng dùng tiền và ảnh hưởng để “cướp lượt” tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những nhân viên y tế là nhóm ưu tiên hàng đầu khi Ba Lan bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 12 vừa qua. Tuy nhiêu, nhiều nhân vật nổi tiếng đã được tiêm trong nhóm ưu tiên này, khiến lực lượng nhân viên y tế bất bình.
Với giải thích những người này được đề nghị tiêm trước để tham gia chiến dịch quảng bá vaccine cũng không làm cho người dân Ba Lan nguôi giận, buộc Bộ Y tế Ba Lan phải tiến hành điều tra vụ việc. Việc “cướp lượt” vaccine cũng diễn ra tại Mỹ, khi nhiều chuyên gia y tế cho biết đã có những lời đề nghị “đổi vaccine” bằng các khoản thanh toán khủng lên đến hàng chục nghìn USD kèm theo các khoản quyên góp lớn.
Điều này đặt ra thách thức cho việc phân bổ vaccine công bằng và hiệu quả không chỉ giữa các nước mà còn giữa các nhóm người trong một xã hội. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Vaccine mang lại cơ hội để chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên để bảo vệ thế giới, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ nhất phải có quyền được bảo vệ nhất. Đây sẽ là thách thức cho thế giới trong việc phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trong năm 2021”.
Trong bối cảnh các quốc gia đang gấp rút thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, hiện có nhiều lo ngại vaccine hiện nay có thể không có tác dụng trên biến thể mới, đặc biệt là biến thể tại Nam Phi. Theo các nhà khoa học, biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi khác với biến thể tại Anh vì nó quá nhiều đột biến ở protein gai quan trọng mà virus SARS-CoV-2 dùng để thâm nhập vào các tế bào của con người.
Bên cạnh đó, biến thể tại Nam Phi còn khiến tải lượng virus SARS-CoV-2 cao hơn, nghĩa là nồng độ hạt virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn, có thể góp phần làm mức độ lây nhiễm cao hơn.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại đặc biệt về biến thể mới tại Nam Phi. Vì vậy Anh đã phải đưa ra các biện pháp để dừng các chuyến bay từ Nam Phi. Lo ngại của tôi đó là virus này lây lan nhanh và dễ dàng hơn so với biến thể được phát hiện tại Anh. Điều này sẽ là thách thức lớn trong việc kiểm sóat dịch bệnh”.
Chính phủ Anh cho biết các nhà khoa học nước này cũng không tin tưởng hoàn toàn rằng vaccine ngừa Covid-19 hiện nay có thể ngăn ngừa biến thể mới tại Nam Phi. Theo các chuyên gia, nếu vaccine phòng Covid-19 hiện nay không hoạt động hiệu quả đối với biến thể tại Nam Phi, có thể mất một tháng hoặc 6 tuần để các nhà khoa học tìm ra loại vaccine mới.
Vì nhiều lý do khác nhau, các quốc gia cũng đang điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine người Covid-19 để hiệu quả và phù hợp với tình hình mới. Do thiếu vaccine, Đức và Đan Mạch, Anh nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm, nhằm tăng số người được tiêm chủng mũi thứ nhất, trong khi chờ đợi vaccine được cung cấp cho liều thứ hai. Tuy nhiên các Tập đoàn dược phẩm cho biết, chưa có dữ liệu về hiệu quả của việc tiêm chủng được đảm bảo sau 21 ngày tiêm mũi thứ nhất và cần tiêm mũi thứ hai đúng hạn để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn khỏi đại dịch./.
Phạm Hà
VOV
Xem thêm: nhc.60101248150101202-91-divoc-augn-eniccav-toul-pouc-iob-eb-tam-iod-coun-ueihn/nv.zibefac