Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả ngành Thuế đạt được; đồng thời yêu cầu ngành Thuế tích cực, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.
Chiều 5.1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý vẫn đạt kết quả khả quan. Tổng số thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý đạt hơn 1,278 triệu tỉ đồng, bằng 101,9% dự toán, vượt 175.849 tỉ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.
Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỉ đồng, bằng 98,2% dự toán; thu nội địa đạt hơn 1,244 triệu tỉ đồng, bằng 102% dự toán, vượt 173.773 tỉ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Tổng số tiền nợ thuế mà ngành Thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4,1%.
Ngành Thuế đã gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế; miễn, giảm thuế cho trên 6 triệu lượt người nộp thuế với tổng số thuế miễn, giảm, gia hạn là khoảng 117.500 tỉ đồng.
Về dự toán thu ngân sách năm 2021, Quốc hội đã giao cơ quan thuế thu gần 1,117 triệu tỉ đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả ngành Thuế đạt được; đồng thời yêu cầu ngành Thuế tích cực, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.
Trong đó, tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thuế, miễn giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19; tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách lấy người nộp thuế làm trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển.
Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.
Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý…
“Phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ””, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.