Phó tổng thống Pence đang đứng trước áp lực một bên là ông Trump và một bên là Hiến pháp Mỹ - Ảnh: AFP
Thông tin được báo New York Times công bố tối 5-1 (giờ Mỹ) cho thấy Phó tổng thống Mike Pence đang đứng trước áp lực lớn khi thời điểm kiểm phiếu cử tri đoàn tới gần.
"Trump đã liên tục cậy nhờ Pence ở cả những nơi đông người và riêng tư, hối thúc phó tổng thống tìm cách phát huy thẩm quyền của ông ta trong ngày 6-1 để tạo cơ sở niềm tin cho những cáo buộc vô căn cứ của ông ta", New York Times viết.
“Phó tổng thống có quyền từ chối những đại cử tri được lựa chọn bằng gian lận", ông Trump tiếp tục viết trên Twitter cá nhân ngày 5-1. Vài tiếng sau đó, Tổng thống Trump gặp ông Pence tại Nhà Trắng. Trong buổi ăn trưa, Trump tiếp tục đưa ra các yêu cầu với ông Pence, theo New York Times.
Đáp lại, "phó tổng thống nói với Trump rằng ông không tin mình có quyền ngăn quốc hội chứng nhận chiến thắng cho ông Joe Biden", nguồn tin của New York Times tiết lộ.
Tuy nhiên, dường như để xoa dịu ông Trump, "ông Pence nói với tổng thống ông sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này cho đến những giờ cuối cùng trước khi phiên họp chung của quốc hội bắt đầu lúc 13h ngày 6-1", theo nguồn tin của New York Times.
Tổng thống Trump vẫn không nhận thua và kêu gọi người ủng hộ kéo về thủ đô Washington trong ngày 6-1 - Ảnh: REUTERS
Một nguồn tin khác của tờ này thân cận với ông Trump tiết lộ ông Pence có thể thừa nhận "có gian lận trong bầu cử khi chủ trì các cuộc tranh luận ở Thượng viện".
"Tổng thống đã nói với những người thân cận rằng ông thà thua khi mọi người nghĩ rằng cuộc bầu cử 'bị đánh cắp', thay vì chỉ đơn giản là thua", New York Times trích dẫn "các nguồn am hiểu tổng thống".
Ông Pence đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với các nghị sĩ và luật sư trong mấy ngày gần đây về vai trò hiến định của mình.
Hiến pháp Mỹ nêu rõ vai trò của Chủ tịch Thượng viện, tức Phó tổng thống, trong phiên kiểm phiếu cử tri đoàn chỉ dừng lại ở việc mở các lá phiếu trước sự chứng kiến của lưỡng viện Quốc hội.
Quá trình kiểm phiếu chỉ mang tính thủ tục năm nay có thể mất nhiều thời gian. Nếu một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ phản đối bằng văn bản kết quả từ một tiểu bang, Thượng viện và Hạ viện sẽ tách riêng để nhóm họp.
Một cuộc tranh luận kéo dài tối đa 2 tiếng sẽ được tiến hành sau đó. Các nghị sĩ được cho nói tối đa 5 phút và chỉ được nói một lần. Mỗi viện sẽ tiến hành bỏ phiếu xem xét việc có chứng nhận kết quả bầu cử của tiểu bang bị phản đối hay không.
Kết quả bầu cử chỉ bị bác bỏ khi cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều thông qua với số phiếu đồng thuận đa số. Tuy nhiên theo New York Times, do đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện nên sẽ không có chuyện yêu cầu bác bỏ nào được thông qua ở Hạ viện.
Các nghị sĩ Cộng hòa đã lên kế hoạch thách thức kết quả tại 6 bang Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, Nevada và Wisconsin. Như vậy, theo New York Times, quá trình kiểm phiếu có thể kéo dài hơn 12 tiếng, tức đến rạng sáng ngày 7-1 (giờ Mỹ).
TTO - Cuộc kiểm phiếu đại cử tri ngày 6-1 tưởng chừng chỉ mang tính thủ tục trong bầu cử tổng thống Mỹ bao nhiêu năm qua, nay thu hút sự chú ý của cả thế giới.