Cao tốc đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì cuộc họp về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh thành liên quan nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông liên vùng trong bối cảnh hạ tầng khu vực này đang thiếu đồng bộ.
Theo Sở Giao thông vận tải, việc các dự án quan trọng nơi chậm, nơi tắc khiến cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát huy được hiệu quả so với thế mạnh vốn có, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Thời gian qua, TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đã có nhiều kiến nghị xem xét đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Riêng với Vành đai 3, Vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương là dự án quan trọng quốc gia cần ưu tiên thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhận thấy từ nay đến năm 2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến đường quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất là khép kín Vành đai 3: Theo qui hoạch dự án dài 98km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An nhưng đến nay mới đầu tư được một đoạn dài 16km tại Bình Dương. Đối với các đoạn đã được phê duyệt như dự án thành phần 1A (từ tỉnh lộ 25 B đến cao tốc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và dự án thành phần 1B (Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Xa lộ Hà Nội) dự kiến khởi công cuối năm 2021.
Đối với các đoạn còn lại, Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo thẩm định báo cáo tiền khả thi doTổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long lập để sớm đầu tư khép kín tuyến đường Vành đai 3.
Thứ hai là dự án Vành đai 4: Tuyến đường này theo qui hoạch dài 198km đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với tiêu chuẩn đường cao tốc 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỳ đồng.
Với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương liên quan lập dự án ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn từ nay đến 2025 đối với các đoạn tuyến trong qui hoạch và đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị Bộ chủ trì nghiên cứu toàn diện dự án này. trong đó nghiên cứu phương án, qui mô đầu tư, phân kỳ đầu tư...để dự án sớm được triển khai.
Thứ ba là tuyến Trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang: Tuyến đường với chiều dài khoảng 54,5 km sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 16.197 tỷ đồng.
Với tuyến đường này, năm 2020 Văn phòng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung vào Quy hoạch giao thông vận tải vùng kính tế trọng điểm phía Nam và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đưòng bộ Việt Nam theo đúng qui định.
Thứ tư là mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải thống nhất sự cần thiết mở rộng cao tốc này trong bối cảnh dự kiến tới năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác. TP cũng kiến nghị trong quá trình thực hiện, Bộ nghiên cứu hoàn chỉnh nút giao An Phú và bổ sung nút giao cao tốc với đường Long Phước (quận 9) để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực thành phố Thủ Đức.
Đẩy nhanh công tác bồi thường tái định cư khu vực ga Bình Triệu
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trước đây Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cắm mốc giới ga Bình Triệu theo ranh quy hoạch đã được phê duyệt của ga Bình Triệu và bàn giao cho TP quản lý. Tuy nhiên, trong phạm vi ranh quy hoạch ga Bình Triệu có nhiều tổ chức, hộ dân bị ảnh hướng, việc chậm thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân.
Do đó, Sở kiến nghị Bộ chủ trì phối hợp các bộ ngành xem xét cơ chế triển khai công tác bồi thường tái định cư nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021-2025 để người dân sớm ổn định đời sống.