Mỗi đôi giày là một thượng đế
Hơn 5 năm trước, chàng trai Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1991) đã từ bỏ cơ hội sang Pháp du học để ở lại Việt Nam khởi nghiệp. Đam mê giày từ khi còn học THPT, nên sau khi gác lại con đường học vấn dang dở nơi giảng đường đại học, Nguyễn Trọng Nghĩa đã bất chấp việc gia đình can ngăn để bắt đầu công việc buôn bán giày kèm dịch vụ vệ sinh giày cho khách hàng.
“Từ việc tham gia các hội nhóm chơi giày trên mạng xã hội, tôi nhận ra nhu cầu vệ sinh, chăm sóc giày rất lớn nhưng ở Hà Nội hầu như chưa có nơi nào làm chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu mày mò xem các clip hướng dẫn vệ sinh giày của nước ngoài, đặt mua các loại hoá chất về Việt Nam để thử nghiệm và phục vụ nhu cầu bản thân. Sau đó, như một kẻ thức thời, tôi chuyển hẳn sang làm dịch vụ này. Xã hội càng phát triển, người ta càng có nhu cầu nhưng không có thời gian, dụng cụ để tự chăm sóc giày của mình” - ông chủ spa giày tâm sự.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khởi nghiệp một cách đơn độc tại Hà Nội, khi không có ai đi trước để học hỏi kinh nghiệm, chỉ sau 6 tháng chập chững, chàng trai trẻ lỗ trắng tay, “cõng” thêm 300 triệu tiền nợ.
“Khi đó, thấy ngành này tiềm năng nên tôi huy động vốn mở một lúc 3 cửa hàng, nhưng vài tháng sau là “sập” luôn. Do lúc đó chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành, kinh tế,… cửa hàng có 20 nhân viên khác mà tôi lại không biết đào tạo, tuyển dụng, quản lý như thế nào. Cũng có ý định bỏ cuộc, nhưng vì đã lựa chọn con đường này rồi nên tôi quyết tâm gây dựng lại và đến ngày hôm nay tạm gọi là thành công” - anh bùi ngùi nhớ lại.
Để duy trì sự sống cho thương hiệu của mình, anh đã chọn “gánh nợ”, mua lại hết cổ phần. Thời điểm đó, anh phải làm cùng một lúc hai công việc, vừa làm công việc ở cửa hàng, vừa “cày” thuê để…trả nợ ở chốn công sở, quên đi “cú sốc” đầu đời. Anh làm việc hùng hục quên ăn quên ngủ, lên tới 16 tiếng/ngày để tiếp tực nuôi đam mê.
Mỗi đôi giày đến với spa này đều được coi một thượng đế. Các công đoạn làm sạch giày ở Morino đều phải được thực hiện tỉ mỉ: Đế giày phải được vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng, thân giày sau khi vệ sinh xong được hong khô trong phòng điều hòa đảm bảo giày không bị mốc. Sau đó giày được chiếu tia UV khử trùng, xịt nano chống bám bụi rồi kiểm tra chất lượng thì mới trả được cho khách hàng.
Nghĩa cho biết để “độ” một đôi giày, những “bác sĩ thẩm mỹ” tại Morino phải kiểm tra tình trạng, chất liệu của giày xem có thể vẽ lên không. Sau đó, mới dựa vào yêu cầu của khách hàng để tư vấn cho khách xem vẽ lên có đẹp hay không và cho khách xem bản phác thảo, nếu khách đồng ý thì mới “chốt”.
“Mỗi đôi giày đến với spa của chúng tôi, đều sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật, còn mỗi nghệ nhân trước hết phải yêu nghề, sáng tạo và cẩn thận. Sau khi vệ sinh hay vẽ xong thì cảm giác cực kỳ vui sướng vì mình nhìn thấy rõ nhất tình trạng trước và sau của đôi giày. Khách hàng khi nhận giày đôi lúc cũng bất ngờ vì diện mạo mới” - ông chủ 30 tuổi tự hào ngắm những đôi giày mới đang trong quá trình được tân trang.
Điểm đến đầu tiên tại Hà Nội của những đôi giày “khủng”
Nhờ quyết định táo bạo và kiên trì với con đường khởi nghiệp, chàng trai không có trong tay tấm bằng đại học nào, đã có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Hơn 5 năm theo đuổi đam mê, không ít lần anh Nghĩa cùng các nhân viên của mình phải choáng ngợp trước những đôi giày hàng hiệu trị giá bạc tỷ. Anh cho biết, khách hàng của anh là những người thực sự yêu thích giày, sưu tầm giày, nhưng chủ yếu là những người trẻ, năng động và có thu nhập cao, có cả những người nổi tiếng như Mr.T, Quỳnh Anh Shyn và các doanh nhân thành đạt.
Xem thêm: lmth.869105a-ueih-yaig-iod-gnuhn-ohc-aps-om-iart-gnahc-coh-ud-ioh-oc-ob-ut/nv.nitaudiougn.www