Ảnh minh họa kính viễn vọng SPHEREx được Caltech cung cấp vào ngày 6-1 - Ảnh: YONHAP
Theo Đài KBS World, có 12 cơ quan tham gia quá trình sản xuất và vận hành SPHEREx, nhưng chỉ duy nhất Viện Thiên văn và khoa học không gian Hàn Quốc (KASI) là không thuộc Mỹ.
Năm 2016, dự án SPHEREx được KASI lên kế hoạch, lập nhóm nghiên cứu chung với Caltech và đề xuất phát triển cùng NASA.
Theo đó, kính viễn vọng vũ trụ SPHEREx có khả năng thăm dò hình ảnh toàn bộ thiên hà dưới quang phổ hồng ngoại. Nó sẽ quan sát các thiên thể phát ra bức xạ hồng ngoại, vốn là một việc rất khó vì bức xạ hồng ngoại bị khí quyển Trái đất hấp thụ.
SPHEREx sử dụng 102 kính lọc giúp quan sát toàn bộ vũ trụ thông qua 102 bước sóng cận hồng ngoại khác nhau, hay nói cách khác là 102 màu. Tháng 2-2019, NASA đã lựa chọn đề án nghiên cứu này và chính thức phê chuẩn vào tháng 10-2020.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, trong thông cáo báo chí, quản lý dự án SPHEREx là Allen Farrington tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA mô tả khả năng của kính viễn vọng mới này giống như "chuyển từ ảnh trắng đen sang ảnh màu".
Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc cho biết dữ liệu 3D thu thập từ kính SPHEREx có thể giúp giải mã các bí ẩn vũ trụ như là vũ trụ thời "sơ sinh".
Khi dự án hoàn thành, kính SPHEREx sẽ phóng lên quỹ đạo vào năm 2024 với sứ mệnh quan trắc quang phổ vũ trụ trong 2,5 năm. Nhóm nghiên cứu mong muốn lập bản đồ quang phổ thể hiện 2 tỉ thiên thể.
Công nghệ được áp dụng trong kính thiên văn này là sự kết hợp giữa quan trắc hình ảnh có khả năng quan sát đồng thời trên một phạm vi rộng và quan trắc quang phổ nhằm đo lường sự biến đổi bước sóng ánh sáng của từng thiên thể.
KASI nắm vai trò chủ đạo trong việc phát triển và thử nghiệm buồng chân không giả lập môi trường vũ trụ mà SPHEREx sẽ vận hành. Ngoài ra, KASI cũng tham gia phát triển phần mềm phân tích dữ liệu quan trắc và nghiên cứu khoa học quan trọng.
Hàn Quốc trong những năm gần đây đã nỗ lực nhiều hơn trong các dự án không gian. Tháng 10 năm nay, nước này dự kiến phóng tên lửa vũ trụ tự sản xuất đầu tiên.
TTO - Đại dịch COVID-19 không ngăn được khát vọng thám hiểm không gian của nhân loại trong năm 2020 và năm 2021 cũng vậy, với những sứ mệnh vũ trụ đáng chú ý đã được ‘lên lịch’.
Xem thêm: mth.71660106160101202-iom-urt-uv-gnov-neiv-hnik-taux-nas-asan-poh-iohp-couq-nah/nv.ertiout