Ông Trump một mực khẳng định Phó tổng thống Mike Pence có quyền lật ngược kết quả bầu cử - Ảnh: REUTERS
Cho đến giờ chót, cơ sở để ông Donald Trump đòi lật ngược chiến thắng của đối thủ Joe Biden là "gian lận bầu cử" ở một số bang chiến trường, nhưng cáo buộc này đã bị Bộ Tư pháp Mỹ và hàng loạt tòa án tiểu bang bác bỏ trong các vụ kiện riêng rẽ.
Tòa án tối cao liên bang, với 3 thành viên là thẩm phán do ông Trump đề cử, cũng đã từ chối thụ lý hai vụ kiện đòi hủy bỏ kết quả bỏ phiếu ở một số tiểu bang.
Sau tất cả, cuộc họp của Quốc hội Mỹ ngày 6-1 là bước cuối cùng công nhận chiến thắng của ông Joe Biden, sau khi cử tri đoàn hoàn thành bỏ phiếu hồi tháng 12-2020. Đây là sự kiện mang tính nghi thức được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Điều gì sẽ diễn ra?
Theo Hãng tin AP, hiến pháp quy định Quốc hội Mỹ phải họp ngày 6-1 để mở niêm phong chứng nhận kết quả bầu cử của từng tiểu bang.
Theo trình tự, bắt đầu từ 13h, chứng nhận bầu cử được mang vào phòng họp trong những chiếc hộp đặc biệt đóng bằng gỗ mahogany. Chúng sẽ được mở theo thứ tự chữ cái đầu của tên tiểu bang.
Tiếp theo, đại diện đảng Dân Chủ và Cộng hòa thuộc lưỡng viện sẽ đứng lên đọc to kết quả, ghi nhận chính thức số lượng lá phiếu đại cử tri dành cho mỗi ứng viên.
Cuối cùng, chủ tịch Thượng viện - Phó tổng thống Mike Pence và cũng là người chủ trì phiên họp, sẽ công bố ứng viên nào giành được đa số phiếu và chiến thắng.
Nếu ông Pence không thể làm nhiệm vụ, thượng nghị sĩ có thâm niên nhất thuộc đảng đa số sẽ chủ trì. Người đáp ứng tiêu chí hiện nay là thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa.
Nếu kết quả kiểm phiếu là hòa, Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống, Thượng viện chọn phó tổng thống, nhưng điều này chưa từng xảy ra từ năm 1800, vả lại ông Biden thắng ông Trump với khoảng cách rất lớn (306 - 232).
Trình tự kiểm phiếu đại cử tri ngày 6-1 - Nguồn: Quốc hội Mỹ, Hiến pháp Mỹ, AP, New York Times - Tổng hợp: D.LINH - Đồ họa: T.ĐẠT
Nếu có ý kiến phản đối thì sao?
Khi kết quả kiểm phiếu của từng bang được xướng lên, bất cứ nghị sĩ nào cũng có quyền đứng lên phản đối, nhưng người chủ trì cuộc họp sẽ bỏ qua trừ khi lời phản đối được viết thành văn bản và ký tên bởi ít nhất một thành viên thuộc mỗi viện.
Nếu yêu cầu được chấp nhận, phiên họp chung sẽ dừng lại, Thượng viện và Hạ viện sẽ họp riêng để cân nhắc ý kiến phản đối.
Để có hiệu lực, ý kiến phản đối cần phải được lưỡng viện thông qua với đa số phiếu. Nếu không ai đồng ý hoặc chỉ một viện đồng ý, kết quả bỏ phiếu vẫn được tính như ban đầu.
Lần cuối cùng yêu cầu phản đối được cân nhắc là năm 2005, khi nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones và thượng nghị sĩ Barbara Boxer của Đảng Dân chủ phản đối kết quả bỏ phiếu bang Ohio. Cuối cùng cả hai viện đều bác bỏ.
Lần này có vài chục đảng viên Cộng hòa thuộc Hạ viện và một nhóm nhỏ ở Thượng viện đòi phản đối kết quả bỏ phiếu ở một số bang chiến trường, nhưng nỗ lực này được đánh giá là cũng khó thành công vì nội bộ Đảng Cộng hòa không thống nhất và Đảng Dân chủ đang nắm thế đa số ở Hạ viện.
Vai trò của ông Pence là gì?
Trong phiên họp ngày 6-1, vai trò của Phó tổng thống Pence chỉ mang tính nghi thức, ông không có quyền tác động đến kết quả kiểm phiếu dù ông Trump gây nhiều sức ép.
Ông Pence không phải phó tổng thống đầu tiên bị đặt vào tình huống tự công bố chiến thắng của đối thủ (và thất bại của mình).
Đầu năm 2001, Phó tổng thống Al Gore chủ trì công bố kết quả cuộc bầu cử năm 2000, trong đó ông thua sát nút ông George W. Bush. Ông đã phải gạt qua một số phản đối của đảng viên Dân chủ.
Đầu năm 2017, ông Biden chủ trì phiên họp tương tự và tuyên bố ông Trump là người chiến thắng (trước bà Hillary Clinton). Ông cũng đã phải gạt một số phản đối từ các chính khách Dân chủ thuộc Hạ viện do không được ai ủng hộ.
TTO - Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định phó tổng thống Mike Pence chưa hề nói từ chối khi được yêu cầu ngăn chứng nhận kết quả bầu cử. 'Pence có thể hủy chứng nhận kết quả hoặc trả chúng cho các bang', ông Trump nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.97475443160101202-gnaht-neihc-pmurt-gno-ob-neyut-irt-uhc-gnut-nedib-gno-el-oe-us-hcil/nv.ertiout