98% lãnh đạo doanh nghiệp Việt có kế hoạch số hóa chuỗi cung ứng
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Để bắt kịp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại và duy trì thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt đang cân nhắc lựa chọn số hóa chuỗi cung ứng, dù họ chưa áp dụng bất kỳ hình thức số hóa nào trước đại dịch Covid-19.
TM Insight, công ty tư vấn chuyên về tối ưu hoá chuỗi cung ứng, cố vấn và quản lý bất động sản thương mại và công nghiệp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vừa mới thực hiện một nghiên cứu phân tích quan điểm của các chuyên gia đầu ngành và hơn 250 lãnh đạo trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), logistics, thương mại điện tử, bán lẻ và sản xuất tại Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo báo cáo mới nhất của TM Insight công bố ngày 6-1, số hóa chuỗi cung ứng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, nhằm hướng tới tính hiệu quả trong hoạt động, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của khách hàng, đồng thời góp phần xây dựng mô hình kinh doanh đón đầu tương lai. Đáng chú ý, theo TM Insight, có đến 98% lãnh đạo doanh nghiệp Việt được khảo sát có kế hoạch ứng dụng các hình thức số hóa trong chuỗi cung ứng.
Để bắt kịp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại và duy trì thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt đang cân nhắc lựa chọn số hóa chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: DN cung cấp |
Báo cáo “Số hóa chuỗi cung ứng: Bước chuyển từ gia tăng tính hiệu quả sang xây dựng khả năng phục hồi” chỉ ra rằng hơn 82% lãnh đạo doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á đang lên kế hoạch ứng dụng các hình thức số hóa trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tại Việt Nam, con số này lên đến 98%.
Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà còn bắt kịp với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi do đại dịch Covid-19 và một số sự kiện trong năm 2020 bao gồm chiến tranh thương mại, chính trị giữa các quốc gia trên toàn cầu. Đáng chú ý, các lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận thấy và công nhận tác động của số hóa đến khả năng phục hồi trong dài hạn của chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng các doanh nghiệp Việt Nam, dù chưa áp dụng bất kỳ hình thức số hoá nào trước đại dịch Covid-19, hiện đang cân nhắc một số hình thức số hóa chuỗi cung ứng. Những lý do chính của động thái này là nhằm đẩy mạnh năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao và cắt giảm nhân lực khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông James Christopher, Chủ tịch TM Insight khu vực Châu Á, cho biết các kết quả khảo sát khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của một chuỗi cung ứng linh hoạt, được trang bị kỹ thuật số nhằm vượt qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.
“Chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đối với dòng dịch chuyển hàng hóa trên toàn cầu, và ngành này đang trải qua những thay đổi địa chấn trong năm nay chủ yếu do đại dịch Covid-19. Nếu như thương mại điện tử đã trên đà tăng trưởng từ trước đại dịch, sự thay đổi nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng cùng với áp lực gia tăng về chăm sóc sức khỏe và các biện pháp giãn cách an toàn tiếp tục thúc đẩy chuỗi cung ứng tới những giới hạn mới”, ông James nói.
Trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo dự đoán sẽ có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng, triển khai các mô hình bán hàng đa kênh (Omnichannel), đầu tư vào kho phục vụ e-commerce (dark store) cũng như tăng cường sử dụng tự động hóa, phân tích dữ liệu và hệ thống viễn thông.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo trong ngành cung ứng đã quan sát thấy rằng các doanh nghiệp đầu tư sớm vào mô hình bán hàng đa kênh đã thoát khỏi tác động của đại dịch tương đối bình yên. Những doanh nghiệp này có thể đón đầu cơ hội khi nhu cầu tăng cao, tăng doanh số bán hàng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Thông qua báo cáo nghiên cứu này, TM Insight nhận thấy mô hình bán hàng đa kênh ngày càng trở nên phổ biến và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
TM Insight Asia đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với bảy chuyên gia về chuỗi cung ứng trong khu vực, ở các lĩnh vực khác nhau như logistics, tiêu dùng nhanh (FMCG), thương mại điện tử và bất động sản. Bên cạnh đó, một khảo sát trực tuyến cũng được thực hiện vào tháng 11 năm 2020 với sự tham gia của 250 lãnh đạo tại năm quốc gia khu vực Đông Nam Á. Phương pháp lấy đại diện phân cấp ngẫu nhiên được áp dụng với các khu vực địa lý và ngành nghề để có tính đại diện khách quan. |
Xem thêm: lmth.gnu-gnuc-iouhc-aoh-os-hcaoh-ek-oc-teiv-peihgn-hnaod-oad-hnal-89/574213/nv.semitnogiaseht.www