Điều dưỡng là một phần của đội ngũ chăm sóc sức khỏe đa ngành. Từ thời điểm bệnh nhân nhập viện đến khi rời đi, điều dưỡng là người luôn túc trực chăm sóc liên tục cho người bệnh, là người gần gũi bệnh nhân và hỗ trợ sát cho người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, công tác điều dưỡng chiếm tỷ lệ hơn 50% thành công của người bệnh trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Điều dưỡng là một phần của đội ngũ chăm sóc sức khỏe đa ngành. (Ảnh minh họa)
Với nhu cầu nhân lực không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng, ngành Điều dưỡng trở thành cái tên khá "hot" đối với nhiều bạn trẻ.
Thiếu hụt nhân lực
Nhu cầu về nhân lực ngành điều dưỡng ở nước ta hiện đang ở mức cao. Sự chênh lệch nhân lực ngành điều dưỡng tại các vùng miền cũng rất lớn. Chỉ có 9% số điều dưỡng viên làm việc tại các tuyến trung ương, trong khi hơn 90% số điều dưỡng viên làm việc tại các bệnh viện cấp tỉnh và các cơ sở y tế.
Chính sự thiếu hụt và không cân bằng nhân lực của ngành điều dưỡng đã khiến ngành này trở nên cực hot trong những năm gần đây. Mỗi sinh viên khi tốt nghiệp điều dưỡng với kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức tốt hoàn toàn có thể xin được một công việc ổn định với mức lương cao.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhân lực ngành điều dưỡng trên thế giới còn đang thiếu trầm trọng. Ở Mỹ, số điều dưỡng thiếu hụt tính đến năm 2020 lên đến hơn 400.000 người. Bên cạnh đó, ở Nhật - một nước có dân số già, cứ 5 người thì có 4 người tuổi trên 75. Chính vì vậy, sinh viên học ngành điều dưỡng sau khi ra trường còn có cơ hội làm việc tại nước ngoài với một mức lương ổn định.
Việc làm tốt, thu nhập cao
Nhu cầu của nhiều nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản đối với ngành hộ lý, điều dưỡng rất lớn.
Trong phiên giao dịch việc làm trực tuyến để đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với một số địa phương tổ chức mới đây, ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam), cho hay: Hiện nay, chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản là một chương trình phi lợi nhuận trên cơ sở thực hiện hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam. Đây là chương trình có việc làm tốt, thu nhập khá cao.
Theo ông Tứ, khi ứng viên sang làm việc tại Nhật Bản, trong thời gian đầu thu nhập từ 35 triệu đồng mỗi tháng. Các lao động này làm việc trong thời gian 4 năm và có thể gia hạn 1 lần. Trường hợp lao động muốn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản như là 1 lao động Nhật Bản thì các lao động phải thông qua kì thi chứng chỉ Quốc gia của Nhật Bản.
Khi ứng viên sang làm việc tại Nhật Bản, trong thời gian đầu thu nhập từ 34-35 triệu đồng mỗi tháng. (Ảnh minh họa)
Nếu đạt yêu cầu thì lao động có thể làm việc như 1 lao động người Nhật Bản. Ngoài ra có thể bảo lãnh người thân trong gia đình qua để làm việc ở Nhật Bản. Các lao động chủ yếu qua làm việc trong các bệnh viện, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người già.
Học điều dưỡng ra làm việc ở đâu?
Cử nhân điều dưỡng là người thực hiện các công việc như: thực hiện tốt các y lệnh của bác sĩ; thực hiện đầy đủ và thành thạo các kỹ thuật chăm sóc người bệnh; tư vấn, giáo dục về sức khỏe cho người bệnh; tham gia các hoạt động y tế tại địa phương như công tác tuyên truyền, tư vấn, phát hiện sớm bệnh dịch; làm tốt công tác quản lý ngành, tham gia vào việc tổ chức và đào tạo cán bộ điều dưỡng và các nhân viên y tế; …
Cử nhân điều dưỡng khi ra trường sẽ có cơ hội làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; Trung tâm y tế; Cơ sở đào tạo cán bộ y tế; Phụ trách y tế tại cơ quan, trường học; Các trung tâm nghiên cứu y học lâm sàng; Hợp tác lao động trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng ở nước ngoài...
Ngành điều dưỡng đòi hỏi yếu tố nào?
Chăm chỉ, cẩn thận: điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vì vậy mọi thao tác, kỹ năng phải cẩn thận và không để xảy ra sai sót.
Nhanh nhẹn, hoạt bát: điều dưỡng viên phải thực sự chủ động trong mọi tình huống. Nhưng sự chủ động ở đây không có nghĩa là tự ý quyết định hành động mà vẫn phải tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Chịu được áp lực: có thể nói đây là yêu cầu đầu tiên và quan trọng dành cho tất cả những ai muốn theo đuổi và làm việc trong ngành y.
Biết cách giao tiếp cơ bản với bệnh nhân: không chỉ là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, điều dưỡng viên còn là người trực tiếp nói chuyện với bệnh nhân về tình hình sức khỏe, các cách chữa bệnh,...
Học ngành điều dưỡng ở đâu?
Để trở thành điều dưỡng viên, các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể đăng ký thi hoặc xét tuyển tại các trường sau đây:
Đại học Y dược TP. HCM
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Đại học Nguyễn Tất Thành
Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Đại học Văn Lang
Cao đẳng Y dược Sài Gòn
Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM
Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn
Cao đẳng Tâm Trí
Cao đẳng Y dược Hồng Đức
Cao đẳng Y dược Pasteur
Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn...
Theo Hiểu Đan
Pháp luật & Bạn đọc