Hãng tin Reuters ngày 5-1 cho biết Bộ Tài chính Mỹ vừa thông báo bổ sung vào danh sách trừng phạt một công ty sản xuất thép Trung Quốc (TQ) tên Kaifeng Pingmei. Mỹ cáo buộc doanh nghiệp này vi phạm lệnh cấm vận Mỹ áp đặt lên Iran khi cung cấp hàng ngàn tấn vật liệu cho ngành sản xuất thép của Iran từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp mặt Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tại thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11-2018. Ảnh: AP
Động thái mới nhất
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, “chính quyền Tổng thống Donald Trump duy trì cam kết ngăn chặn các nguồn thu nhập của chính quyền Iran bởi họ vẫn tiếp tục tài trợ cho các nhóm khủng bố, hỗ trợ các chế độ độc tài và sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Cùng ngày, ông Trump cho ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân hoặc doanh nghiệp Mỹ sử dụng hoặc giao dịch tài chính với tám ứng dụng văn phòng và hỗ trợ thanh toán của TQ gồm Alipay, CamScanner, QQ Wallet, Shareit, Tencent QQ, Vmate, WeChat Pay và WPS Office. Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định những ứng dụng này thu thập rất nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm của người dùng Mỹ.
Họ đã sử dụng những công cụ như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt với nhiều cấp độ khác nhau đối với những nước như TQ. Chúng tôi chưa từng thấy một chính quyền nào sáng tạo trong việc sử dụng và phối hợp những công cụ kinh tế hết sức đa dạng như vậy. Luật sư ADAM SMITH, hãng luật Gibson, Dunn & Crutcher (Mỹ) |
Đây là những động thái mới nhất của Mỹ trong năm 2021 nhằm vào giới kinh doanh TQ, diễn ra trong bối cảnh nhiều ý kiến lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, ngay cả khi ông Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ.
Chính quyền ông Trump trừng phạt nhiều kỷ lục
Với quyết tâm theo đuổi chủ trương “nước Mỹ trên hết” trong xử lý các vấn đề địa chính trị, chính quyền ông Trump đã mạnh tay sử dụng những biện pháp như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt thứ cấp,... áp lên những nước đối thủ lẫn đồng minh của Mỹ. Hãng tin Bloomberg dẫn thống kê mới nhất của hãng luật Gibson, Dunn & Crutcher (Mỹ) cho biết chính quyền ông Trump là chính quyền sử dụng nhiều lệnh trừng phạt nhất trong lịch sử Mỹ. Chính quyền ông Trump ban hành hơn 3.900 lệnh trừng phạt từ khi ông nhậm chức năm 2017 đến nay, trung bình 975 lệnh/năm, ba lệnh/ngày, trong khi chưa chính quyền Mỹ nào trước đó sử dụng quá 700 lệnh một năm.
Trong số các nước bị Mỹ trừng phạt, dù không phải là cái tên số một bị Mỹ nhắm đến (vị trí đó thuộc về Iran) nhưng TQ luôn nằm trong nhóm năm nước chịu trừng phạt nặng nhất.
Ngoài công ty và các ứng dụng TQ nói trên, trước đó Bộ Thương mại Mỹ ngày 18-12-2020 cũng đã đưa hơn 60 công ty khác của TQ vào danh sách trừng phạt. Trong số này, một số công ty bị trừng phạt với lý do vi phạm quyền con người và ngược đãi lao động, số khác do tham gia xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các lý do khác là có liên hệ với quân đội TQ và dính líu tới cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia. Theo tờ South China Morning Post, đây là một trong những đợt cấm vận lớn nhất của Mỹ nhằm vào công ty TQ trong năm nay. Tờ báo này ước tính hiện đã có ít nhất 270 công ty kèm chi nhánh của TQ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Trước đó, vào tháng 8-2020, Mỹ cũng đã thực hiện một đợt trừng phạt quy mô lớn với 24 công ty TQ cũng với cáo buộc hỗ trợ quân đội TQ xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Đáng chú ý, năm cái tên trong danh sách của Mỹ là công ty con của Tổng Công ty Xây dựng giao thông TQ (China Communications Construction Company) - nhà thầu chủ lực thuộc dự án Một vành đai - Một con đường của Bắc Kinh.
Phần mình, TQ chỉ trích Mỹ cố tình lợi dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để đàn áp các công ty nước này, đồng thời đe dọa sẽ có biện pháp “trả đũa thích đáng”.
Thách thức lẫn cơ hội cho chính quyền ông Biden
Bloomberg nhận định việc ông Trump đưa ra quá nhiều lệnh trừng phạt như vậy có thể sẽ trở thành một gánh nặng khác cho chính quyền kế nhiệm. Cụ thể, vì trừng phạt quá nhiều và dày đặc các công ty, cá nhân của nhiều quốc gia khác nhau nên chính quyền mới phải tính toán để vừa thực thi đầy đủ, vừa không ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho rằng việc ông Trump mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào TQ mở ra cho chính quyền sắp tới của ông Biden nhiều lựa chọn trong hoạch định chính sách ngoại giao với TQ. Cả ông Biden và nhiều thành viên đảng Dân chủ Mỹ từng tuyên bố phản đối chiến thuật ông Trump sử dụng gây sức ép cho TQ. Song không thể phủ nhận những biện pháp như vậy vẫn sẽ nằm trên bàn đàm phán giữa chính quyền ông Biden và Bắc Kinh trên các vấn đề hai bên đang tranh chấp.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích Matthew Bey thuộc Công ty tư vấn rủi ro Stratfor (Mỹ) cho rằng “hầu hết giới quan sát đều đồng ý rằng chính quyền ông Biden nên kết hợp cả các nỗ lực đa phương cùng các sức ép đơn phương nhằm kiềm chế TQ hiệu quả hơn, chẳng hạn như siết chặt hoạt động của công ty công nghệ TQ”.
Theo ông Bey, dù có thể thương chiến Mỹ - Trung đến nay đã hạ nhiệt đáng kể nhưng điều đó không đồng nghĩa hai nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hòa hoãn, bởi vẫn còn rất nhiều xung đột lợi ích chiến lược chưa giải quyết được. Ông cho rằng “Mỹ vẫn nên tiếp tục duy trì các biện pháp thuế quan lên hàng hóa TQ cho đến khi Bắc Kinh chấp nhận từ bỏ tham vọng thay đổi trật tự của họ”.
Kỳ vọng khác ở ông Biden Dù nhìn chung đánh giá lệnh trừng phạt của ông Trump tương đối hiệu quả nhưng giới chuyên gia cũng cho rằng đôi khi dường như các biện pháp này được dùng như một “chiêu trò đánh bóng tên tuổi cho ông Trump” thay vì một chính sách kinh tế hợp lý. Các chuyên gia kỳ vọng điều này sẽ không lặp lại ở chính quyền ông Biden. “Tôi không cho là họ sẽ giảm việc trừng phạt nhưng họ có thể giảm việc sử dụng sai các lệnh trừng phạt” - cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Fried nhận xét. |