Ngày 4-1, Pháp Luật TP.HCM có đăng tải thông tin “Người đàn ông tử vong sau khi xông hơi ở TP.HCM”. Theo đó, khoảng 10 giờ ngày 29-11-2020, một người đàn ông tên VH đến Phòng khám Đông y Nguyễn Khoa để khám và được cho vào phòng xông hơi. Đến 11 giờ, phòng khám thông báo ông bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu tại BV huyện Nhà Bè, sau đó tiếp tục được chuyển đến BV Chợ Rẫy.
Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, ông H. bị giãn đồng tử, không còn khả năng cứu sau thời gian được cấp cứu, hồi sức tại BV Chợ Rẫy và được gia đình đưa về nhà lo hậu sự.
Các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tư vấn, khám cho người bệnh. Ảnh: TƯ LIỆU
Sau khi bài viết trên được đăng tải, chúng tôi đã nhận được những câu hỏi của bạn đọc với nội dung: Khi nào thì cần phải xông hơi? Xông hơi như thế nào thì đúng cách?…
Chỉ nên áp dụng cho người không tự đổ mồ hôi
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, đã có những giải đáp trước các thắc mắc trên của bạn đọc.
. Phóng viên: Thưa bác sĩ, phương pháp xông hơi được hiểu như thế nào troKỷ niệm 75 năm Quốc hộing y học? Phương pháp này được dùng điều trị những bệnh lý nào?
+ TS-BS Trương Thị Ngọc Lan: Xông hơi là một trong tám phương pháp điều trị (bát pháp) của Đông y gồm: Hãn, thổ, hạ, hòa, thanh, ôn, tiêu, bổ.
Trong đó, xông hơi là phương pháp hãn, tức làm cho cơ thể người bệnh ra mồ hôi. Phương pháp xông hơi đa phần dùng cho người bệnh cảm mà cơ thể không thể tự tiết mồ hôi. Ngay cả người bị cảm nhưng cơ thể đã đổ mồ hôi cũng không nên áp dụng phương pháp xông hơi.
Xông hơi giúp người bệnh tỉnh táo, giúp lỗ chân lông giãn nở để đẩy mồ hôi, lượng nước bị ứ và các luồng khí xấu, chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh. Từ đó, phương pháp này giúp giảm bớt các dấu hiệu bệnh cảm.
Công an đang điều tra vụ chết ở phòng xông hơi Liên quan đến vụ việc ông VH (65 tuổi) tử vong sau khi xông hơi trị bệnh tại Phòng khám Đông y Nguyễn Khoa (khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM), ngày 4-1, cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm việc với hai bên. Cụ thể, Công an xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Thanh tra Sở Y tế TP đã làm việc với Phòng khám Đông y Nguyễn Khoa và gia đình ông VH để ghi nhận vụ việc, yêu cầu hai bên cung cấp chứng cứ để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, ngày 2-1, chị T. gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Khoa Vũ, Giám đốc phòng khám Đông y, đã gây ra cái chết của cha bà là ông VH (65 tuổi). Theo đơn tố cáo, vào khoảng 10 giờ ngày 29-11-2020, ông H. đến Phòng khám Đông y Nguyễn Khoa để khám và được cho vào phòng xông hơi. Đến 11 giờ, phòng khám thông báo ông bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu tại BV huyện Nhà Bè, sau đó tiếp tục được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tại đây, đến khoảng 15 giờ 30, gia đình được bác sĩ thông báo ông H. bị giãn đồng tử, không còn khả năng cứu. Do đó, gia đình đưa ông về quê lo hậu sự. HOÀNG LAN |
Sáu lưu ý khi xông hơi
. Xông hơi được nhiều người lựa chọn từ điều trị bệnh đến làm đẹp. Vậy khi sử dụng phương pháp này cần có những lưu ý gì?
+ Ngày nay, xông hơi phổ biến như phương pháp giúp chữa bệnh, thải độc, thư giãn cơ thể và cả làm đẹp. Tuy nhiên, thực tế trong y học, phạm vi áp dụng phương pháp xông hơi để điều trị bệnh rất hạn chế.
Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp xông hơi, cần tuân thủ sáu lưu ý như sau:
- Không xông hơi đối với người có sức khỏe đang suy yếu, người đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch…
- Nhiệt độ xông hơi phù hợp từ 40 độ C đến 50 độ C, thời gian xông 10-15 phút, không xông lâu hơn hoặc không xông ở nhiệt độ cao hơn để tránh gây bỏng.
- Phòng xông hơi phải kín gió để đảm bảo người bệnh khi bước ra từ buồng xông không bị gió thổi vào cơ thể. Vì sau khi xông hơi, cơ thể người bệnh đổ mồ hôi, nếu bị gió thổi vào sẽ dễ bị bệnh cảm.
- Sau khi xông hơi nên uống bổ sung nước ngay. Nên uống nước có thêm ít muối hoặc các loại nước có chất khoáng.
- Không nên xông hơi cho trẻ nhỏ vì cơ thể trẻ còn yếu, da trẻ mỏng nên dễ gây bỏng.
- Phòng xông hơi, cơ sở xông hơi phải đảm bảo an toàn; đảm bảo các phương pháp phòng ngừa cháy, bỏng cho người xông.
. Hiện nhiều người chọn mua các tinh dầu xông hơi hoặc dùng lá cây như sả, bưởi… đun sôi để tự xông hơi tại nhà. Theo bác sĩ, cách làm này có phù hợp?
+ Việc xông hơi bằng lá cây, tinh dầu tại nhà là phương pháp dân gian rất phổ biến từ rất lâu. Theo phương pháp này, người dân thường đun sôi nước có bỏ các viên nang chứa tinh dầu hoặc lá cây.
Tuy nhiên, dù xông hơi tại nhà hay xông hơi tại các cơ sở bên ngoài thì vẫn cần tuân thủ các lưu ý đã nêu trên. Việc xông hơi tại nhà nếu tuân thủ các lưu ý này thì vẫn có hiệu quả tốt.
Khi lựa chọn tinh dầu xông hơi, người dân nên tìm các thương hiệu có uy tín, thành phần tự nhiên. Sản phẩm tinh dầu phải có kiểm định y tế. Khi xông hơi tại nhà bằng nồi nước nóng thì phải chú ý phòng ngừa bỏng.
. Xin cám ơn bà.•