Chứng khoán đã có mạch 4 phiên tăng liên tiếp từ phiên cuối năm 2020. Điều đáng nói là, nhịp tăng nóng này là chuỗi nối tiếp đà tăng trước đó, có mức tăng từ trên 0,5-1,5%.
Chính vì thế, các dự báo càng ngày càng thể hiện sự lo lắng về khả năng thị trường sẽ rung lắc, giằng co mạnh, thậm chí điều chỉnh. Nhịp điều chỉnh được cho là để hạ nhiệt, nhằm lấy đà tăng tiếp sau đó.
Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), thị trường đang cho thấy thanh khoản và cả độ rộng đều tích cực phản ánh dòng tiền nội địa mạnh mẽ. Từ đó, BSC cho rằng dòng tiền đang tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng điểm. VN-Index nhiều khả năng sẽ thành công kiểm tra lại ngưỡng 1.150 điểm trong các phiên giao dịch tới.
Công ty chứng khoán MB (MBS) vẫn giữ quan điểm nhìn nhận từ phiên trước, rằng thị trường đang rất thuận lợi để đi lên các ngưỡng cao với việc khối ngoại tiếp tục chuỗi mua ròng kể từ đầu năm.
Thường đưa ra đánh giá thiên về lạc quan nhiều hơn ở các phiên trước, song Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng phiên tới ngày 7.1 thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh, nhưng có thể nhanh chóng quay trở lại đà tăng.
Mức 1.150 điểm đang được xem là ngưỡng kháng cự ngắn hạn của chỉ số VN-Index. Nhưng YSVN cho rằng áp lực điều chỉnh sẽ không quá mạnh và đồ thị giá có thể sẽ mở rộng về các ngưỡng cao hơn khi rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
YSVN khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu hoặc mở vị thế mua mới.
Phân tích các tín hiệu kĩ thuật từ Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, xu hướng phục hồi hiện tại đã được xác nhận cho thấy chỉ số có cơ hội bước vào nhịp tăng nóng hướng lên vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm.
Tuy nhiên, tín hiệu mua thái quá cũng đã xuất hiện trên thị trường có thể dẫn tới cung cầu giằng co nhau. Không loại trừ khả năng VN-Index cần một vài phiên điều chỉnh rung lắc nhằm củng cố cho đà tăng được bền vững hơn.
Vấn đề những phiên gần đây thường được nhà đầu tư và các công ty chứng khoán đề cập là khả năng chịu tải của hệ thống giao dịch điện tử trên sàn HoSE. Tuy nhiên, từ thực tế phiên giao dịch ngày 6.1 cho thấy, trong phiên chiều khi các lệnh xả hàng dồn dập được tung ra gặp ngay lúc hệ thống quá tải cũng đã phần nào “giúp” các lệnh bán mạnh bị ngưng trệ, qua đó đà giảm điểm cũng chậm lại.
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), phiên ngày 6.1 mặc dù xu hướng tăng vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng diễn biến rung lắc có thể đang khiến gia tăng rủi ro điều chỉnh của VN-Index. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn, kết hợp mua/bán trading quay vòng một phần nhỏ đối với các vị thế ngắn hạn.
Hành động là nên chốt lời khi chỉ số tiến đến ngưỡng kháng cự cao hơn (quanh 1.150 điểm) đối với các vị thế nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu lớn và canh mua vào để gia tăng tỉ trọng khi thị trường có các nhịp rung lắc, điều chỉnh đã được Công ty chứng khoán Bảo Việt và PHS khuyến nghị. Thị trường vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, sự xoay chuyển linh hoạt được đề cao để hạn chế rủi ro và có thể kiếm lãi.
Xem thêm: odl.175868-or-iur-hnart-ed-oan-eht-gnod-hnah-gnon-gnat-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal