vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường thanh toán của Việt Nam sẽ ra sao khi Mobile Money 'nhập cuộc'?

2021-01-07 09:56

Mobile Money hiểu đơn giản là phương tiện thanh toán cho phép người dùng cùng một mạng lưới dịch vụ gửi và nhận tiền với nhau. Bản chất của Mobile Money chính là e-Money hay ví điện tử nhưng không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Dịch vụ này được triển khai trên thế giới từ năm 2018. Tính đến nay, có 90 quốc gia phát triển nền tảng Mobile Money, với số lượng người sử dụng khoảng 900 triệu người, chiếm 1/7 dân số thế giới. Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch mỗi ngày qua Mobile Money lên đến khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm bình quân 20%.

Như vậy, đây có thể coi là một "sân chơi" mới cho các nhà mạng trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam. Cụ thể, Mobile Money sẽ do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, MobiFone, VNPT… sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường thanh toán.

Các nhà mạng đã chuẩn bị gì?

Trên thực tế, ngay từ năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã nộp hồ sơ xin cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money từ năm 2019. Trong đó, VNPT và Viettel đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán.

Cụ thể, cuối tháng 6/2019, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) - Tổng công ty đã được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel thành lập. DN này được xác định là một công ty công nghệ tập trung trong ba lĩnh vực chính, gồm: Tài chính số (kiện toàn hệ sinh thái và ngân hàng số ViettelPay, triển khai thí điểm Mobile Money), dịch vụ dữ liệu (tập trung các lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, quảng cáo) và thương mại điện tử.

Tương tự, VNPT cũng đã sẵn sàng cho Mobile Money, từ hạ tầng đến tài chính. Lợi thế lớn của VNPT trong "cuộc đua" này là đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số. Đến nay, VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Đến đầu tháng 3/2020, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Đồng thời, trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm Mobile Money.

Sau đó, đến tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cuối cùng đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đến nay vẫn chưa được quyết định. Tháng 8/2020, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập về việc triển khai này. Mới đây, loạt nhà mạng đã gửi kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về kế hoạch cho phép doanh nghiệp triển khai kinh doanh dịch vụ Mobile Money.

Liên quan đến vấn đề này, đối với Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định cần có văn bản báo cáo các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc xin cấp phép để được hỗ trợ. Do hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có Viettel và VNPT nhận được giấy phép này.

Đối với VNPT và Viettel, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay hiện Bộ đang chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định trình thủ tướng phê duyệt thí điểm Mobile Money.

Thị trường thanh toán Việt Nam sẽ thay đổi gì khi Mobile Money xuất hiện?

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC, ngoài việc không cần tài khoản ngân hàng, các dịch vụ của Mobile Money sẽ không khác nhiều so với ví điện tử. Cụ thể, trong giai đoạn đầu phát triển, công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money thường tập trung vào 1-2 dịch vụ chính như việc chuyển tiền, thanh toán dịch vụ…

Đến giai đoạn phát triển sau này, các nhà cung cấp dịch vụ có thể mở rộng hệ sinh thái với các sản phẩm như bảo hiểm, gửi tiết kiệm, tín dụng. Đối tác của Mobile Money để triển khai những sản phẩm mở rộng này là công ty bảo hiểm, ngân hàng, định chế vi mô tài chính…

BSC cho hay, thay đổi đáng kể nhất mà Mobile Money mang lại đối với các sản phẩm tín dụng đó là việc giải ngân qua dịch vụ này sẽ nhanh hơn so với mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cũng sẽ ở mức thấp. Ví dụ như tại Kenya, tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay qua Mobile Money chỉ ở mức 2-3%.

Liên quan đến mức doanh thu, BSC nhấn mạnh, nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ có doanh thu trực tiếp từ phí giao dịch của người dùng. Nhưng thông thường, nguồn thu này chỉ đạt giá trị lớn khi sản phẩm đạt đến một quy mô nhất định. Nhóm phân tích của BSC ước tính, đối với các nhà mạng ở Việt Nam, tỷ trọng đóng góp doanh thu của Mobile Money sẽ chỉ khoảng 1-5%.

Thêm vào đó, giá trị thanh toán qua Mobile Money thường là nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP đang giao dịch bằng tiền mặt.

Hơn nữa, hệ thống thanh toán này cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như: mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh không được đảm bảo.

Về vị thế trên thị trường, theo BSC, tác động của Mobile Money sẽ giúp "vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi". Mobile Money sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính cho người dân, từ đó hướng người dân sử dụng các sản phẩm tài chính nâng cao. Ngoài ra, các sản phẩm nâng cao của Mobile Money sẽ vẫn phải liên kết với ngân hàng.

Như vậy, nhìn chung dự địa của thị trường để Mobile Money phát triển vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Khi dịch vụ này chính thức được ra mắt, sẽ là cơ hội cho các nhà mạng thí điểm, cũng như đạt mục tiêu trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ về một xã hội không dùng tiền mặt.

Hà Trần

Tổ Quốc

Xem thêm: nhc.39480658070101202-couc-pahn-yenom-elibom-ihk-oas-ar-es-man-teiv-auc-naot-hnaht-gnourt-iht/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường thanh toán của Việt Nam sẽ ra sao khi Mobile Money 'nhập cuộc'?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools