Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội cắt băng thông xe cầu Thăng Long - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỉ đồng, bắt đầu triển khai từ 16-8-2020.
Đây là dự án có giải pháp kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô và khối lượng lớn. Trong quá trình sửa chữa, các nhà thầu đã làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu Thăng Long; hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bêtông siêu tính năng (UHPC); quét keo dính bám và thảm 27.200m2 bêtông nhựa polyme lên trên cùng.
Theo ông Huyện, với phương án như trên, mặt cầu Thăng Long sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bêtông siêu tính năng tối thiểu 30 năm, và lớp phủ bêtông nhựa polyme là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).
"Tôi xem trên mạng thấy nhiều người chưa tin sẽ làm được mặt cầu đảm bảo chất lượng. Chiều 6-1 tôi đã lên cầu xem, thấy mặt cầu được hoàn thiện rất chất lượng", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, và đề nghị sớm tiến hành bàn giao cầu cho UBND TP.Hà Nội khai thác, lưu ý kiểm soát xe quá tải để đảm bảo sự ổn định, tuổi thọ của mặt cầu.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, ban hành quy trình sửa chữa những cầu có bản mặt cầu bằng thép như cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Cầu Thăng Long vượt sông Hồng nối đường vành đai 3 từ phía Tây Hà Nội tới sân bay Nội Bài - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau hơn 4 tháng thi công với nhiều hạng mục phải làm liên tục cả 3 ca, đến thời điểm hiện nay công tác thi công đã đảm yêu cầu về tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng. Theo kết quả thử tải, độ cứng của cầu Thăng Long tăng lên khoảng 2 lần so với trước đây.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem hình ảnh về quá trình sửa mặt cầu Thăng Long - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng qua Hà Nội được xây dựng từ năm 1974.
Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.
Sau hơn 15 năm khai thác phần mặt đường ô tô trên cầu chính đã xuất hiện các hư hỏng. Từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ, các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt, để làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Cầu Thăng Long được đưa vào khai thác sẽ giảm tải cho tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài - Ảnh: PHẠM TUẤN
Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến vành đai 3 TP. Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa TP. Hà Nội với sân bay Nội Bài, kết nối các tỉnh thành với Hà Nội, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường cửa ngõ phía Tây Hà Nội.
Để đảm bảo tuổi thọ, sự ổn định của cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thành lập tổ kiểm tra tải trọng xe hoạt động 24/24h tại 2 đầu cầu, nhằm ngăn xe quá tải lên cầu.
Sau khi cầu Thăng Long thông xe, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phục hồi lộ trình với 16 tuyến xe buýt đi qua cầu Thăng Long gồm tuyến số 7, 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, 112, CNG 04, 212.
TTO - Qua quá trình thí nghiệm, các chuyên gia của Đại học Giao thông vận tải đã khẳng định độ tin cậy của giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long và sẽ thử nghiệm 120m trên mặt cầu trước khi thi công đại trà.
Xem thêm: mth.75995849070101202-auhc-aus-gnaht-4-noh-uas-ex-gnoht-gnol-gnaht-uac/nv.ertiout