Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng hơn 9 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế, ngay cả trong năm 2020 cũng đã bổ sung thêm cho thị trường hơn 1 triệu tỉ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 của VietinBank, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2020 đạt 12,13% so với cuối năm 2019.
Phó Thống đốc cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng hơn 9 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế, ngay cả trong năm 2020 cũng đã bổ sung thêm cho thị trường hơn 1 triệu tỉ đồng.
Con số tăng trưởng trên 12% mặc dù không đạt được như mức kỳ vọng từ đầu năm là 14% (trước dịch) nhưng đã thể hiện được sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Tăng trưởng tín dụng đã chững lại trong những tháng đầu năm và phục hồi dần vào cuối năm.
Cung ứng vốn cho nền kinh tế góp phần vào việc giữ được đà tăng trưởng của GDP toàn nền kinh tế, vượt trội so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Lần đầu tiên trong nhiều năm có mức lãi suất như bây giờ, đã giảm một nửa so với lãi suất của 6 - 7 năm trước", ông nói.
Ông Đào Minh Tú cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng lên do ảnh hưởng của COVID-19. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 2,7 - 2,9% vào cuối tháng 7, nếu tính cả nợ bán VAMC và nợ tiềm ẩn nợ xấu thì tỉ lệ này ở mức khoảng 4,36%.
Nhận định về năm 2021, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đào Minh Tú cho biết: "Theo tôi, sẽ có những tích cực như: Chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và kích thích sự phát triển nền kinh tế.
Dòng vốn rẻ và dòng tiền nhàn rỗi được hấp dẫn vào các kênh đầu tư và sản xuất. Hoạt động kiểm soát dịch hiệu quả giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giúp doanh nghiệp phục hồi hiệu quả hơn dẫn tới kỳ vọng tăng trưởng GDP tốt ở mức 6% -6,5% cho năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn những điều tiêu cực cần thận trọng như: Dịch bệnh nhiều khả năng vẫn còn hoành hành và vaccine chưa kỳ vọng sẽ phổ biến đến toàn dân tại các quốc gia ít nhất hết quý II/2021.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của địa chính trị và thương mại toàn cầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng tâm lý thị trường chung và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam…
Đối với ngành ngân hàng, 3 vấn đề đáng quan tâm là: rủi ro nợ xấu gia tăng do khó khăn của người vay vì tác động của dịch và thiên tai; quá trình tái cơ cấu của các TCTD để nâng cao năng lực tài chính bị chậm lại vì lợi nhuận suy giảm; hiệu quả tín dụng bị ảnh hưởng vì dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển quá nhanh tạo áp lực cho thị trường tín dụng".
Xem thêm: odl.976868-3121-tad-gnud-nit-gnourt-gnat-ut-hnim-oad-nnhn-cod-gnoht-ohp/et-hnik/nv.gnodoal