Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỉ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Trên đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương, diễn ra ngày 7-1.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỉ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 vẫn đạt khoảng 543,9 tỉ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết xuất nhập khẩu năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 500 tỉ USD, xuất siêu kỷ lục
Nhắc lại thời điểm hội nghị tổng kết năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành công thương phấn đấu để xuất khẩu đạt 300 tỉ USD. "Thời điểm đó chúng tôi khá lo lắng và áp lực với con số 300 tỉ USD mà Thủ tướng giao, bởi năm 2019 chúng ta chỉ mới đạt hơn 264 tỉ USD. Nhưng kết thúc năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, xuất khẩu đạt hơn 281 tỉ USD, con số này nói lên rất nhiều điều"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong năm 2020, hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...
"Hoạt động xúc tiến thương mại cũng được ngành công thương được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân"- Bộ trưởng cho hay.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Sang năm 2021, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ngành công thương sẽ tập trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bên cạnh đó, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh. Tăng cường trao đổi trực tiếp để xử lý công việc, hạn chế giấy tờ, không để mất thời gian bằng xin ý kiến qua văn bản kéo dài nhiều lần...
"Các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII sắp tới đây"- Bộ trưởng khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu toàn ngành lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành. Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành công thương phải lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.