Vợ chồng ông Tèo ra tiệm sửa xe ven đường - Ảnh: H.T
Ông Tèo rưng rưng xúc động nhắc đi nhắc lại về người vợ đã chung sống cùng mình suốt gần 50 năm qua: "Cục vàng của tui đó, trẻ còn thương không hết, huống chi sống với nhau tới giờ rồi…".
Nên duyên từ… bệnh viện
Ông Tèo tên thật là Nguyễn Thế Ngọc, 70 tuổi, bà con trong ấp vẫn cứ quen kêu là Tèo "què" từ bé vì ông bị sốt bại liệt, teo một chân, đi cà lết từ năm mới 3 tuổi. Sau ông lại có thêm tên Tèo "cụt" do tai nạn giao thông.
Tổ ấm của ông Tèo ở ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM chỉ vỏn vẹn 30m2. Nhưng đó là cả gia tài của đôi vợ chồng đã từng "nghèo nhất thiên hạ" như bà con quanh vùng thường nói. Ông Tèo vốn mồ côi mẹ từ lúc mới hơn 7 tháng tuổi, cha ông đi lính cũng mất khi ông lên 10. Ông được bà nội nuôi nấng từ nhỏ ở xã Bình Chánh này từ khi sinh ra đến nay.
Tâm sự chuyện đời với tôi, ông Tèo ngồi trên tấm phản gỗ của bà nội để lại. Chiếc phản là kỷ vật mà ông gìn giữ bấy lâu nay bởi nó đã theo ông suốt những năm tháng tuổi thơ cơ cực tới giờ.
Cả đời mình, ông Tèo những tưởng sẽ mãi nhốt mình trong thế giới cô đơn bởi khuyết tật và nghèo khó. Ông luôn lo sợ một ngày nào đó bà nội cũng mất đi, bỏ lại ông bơ vơ giữa cuộc đời này.
Cha mẹ mất từ nhỏ nên ông Tèo sống với bà nội và các cô. Thời chiến tranh, bà cháu ông Tèo vật lộn với thúng bắp nấu đội trên đầu đi bán dạo. Dù tật nguyền lại mồ côi cha mẹ, ông vẫn cảm thấy mình còn may mắn bởi được bà nội đùm bọc.
Lớn lên, ông Tèo được nhận vào làm trong một lò heo gần nhà. Cuộc sống có chút đỡ hơn những ngày thơ ấu, chàng thanh niên Tèo hồi ấy chỉ mong đắp đổi qua ngày, sống sót được ở thời bom rơi đạn lạc là may để phụng dưỡng bà nội lúc tuổi già.
Nhưng trong một lần đi dự đám giỗ, không may ông Tèo bị tai nạn giao thông, phải cưa một chân đến gần háng.
"Người ta đưa tui vào Bệnh viện Bình Dân rồi Chợ Rẫy. Chỉ thương bà nội, quanh quẩn tuổi già bóng xế. Tui dầu què cũng còn trông nom được, lỡ tui có gì thì bà nội thế nào. Nhưng nhìn xung quanh thấy quá trời người còn bi thảm hơn mình. Lúc đó có một người nằm trên cáng bị bom cưa gần đứt cánh tay. Tui thấy tội quá vì máu me đầy người, mới nói y tá cho anh đó lên giường nằm, còn tui xuống sàn nằm" - ông Tèo nhớ lại.
Không may, vết thương sau tai nạn của ông Tèo ngày ấy bị hoại tử quá nặng, bác sĩ đành phải cưa cái chân vốn đã dặt dẹo của ông sát tới mông. "Từ đó, tui đành chịu phận đã què còn cụt"- ông Tèo cám cảnh nói.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may, những ngày ở bệnh viện ông Tèo gặp được bà Gái hóa ra lại chính là em gái của người bị thương mà ông Tèo nhường chiếc giường lúc mới nhập viện. Những ngày chăm sóc anh trai, bà Gái cảm kích tính tình vui tươi, nhân hậu, hay giúp mọi người của ông Tèo.
"Hễ ai có việc gì cần là ổng sẵn sàng cà lết qua giúp, không thèm dòm lại cái thân ổng cũng thảm cỡ nào"- bà Gái trìu mến tâm sự về chồng.
Hai tháng ở bệnh viện đã khiến tình cảm của bà Gái dành cho ông Tèo từ thấy tội nghiệp thành… thương khi nào không hay. Bước vào cuộc đời ông, bà mới biết ông đã sống trong thế giới cô đơn nhường nào.
"Tui không ngờ ổng tội đến vậy, cha mẹ mất sớm, thui thủi sớm hôm với bà nội già cả lại đau bệnh. Tuổi trẻ mà chỉ biết quanh quẩn lo kiếm tiền nuôi bà. Rồi còn tật nguyền lại thêm tật nguyền…" - bà Gái rớm nước mắt nhớ lại.
Thương là… tới, bà Gái lúc ấy mới 17 tuổi, lại ở tận Củ Chi, nhưng quyết xin cha mẹ được cưới ông Tèo "cụt" ở Sài Gòn. Năm 1973, đôi lứa được bà nội ông Tèo và gia đình bà Gái chấp thuận cho về ở với nhau chỉ bằng một bữa tiệc nho nhỏ ở Củ Chi.
Ông Tèo và “cục vàng” trong tổ ấm gần 50 năm - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Vì tình yêu... bò tới
"Lúc đầu chỉ vì thương cảnh ổng neo đơn một mình, bà nội thì đau bệnh như chuối trên cành, tui tính về phụ ổng một tay coi sóc nhà cửa, bà nội. Ai dè về dần rồi yêu ổng thiệt…." - bà Gái ngượng ngùng kể lại như hồi còn thiếu nữ e dè ngồi trước chàng trai tên Tèo.
"Ơ, đã què còn cụt mà cưới được vợ đẹp hay sao?" - chòm xóm trêu ghẹo khi ông Tèo đưa bà Gái về ra mắt.
"Lúc đầu tui còn ngại ngùng lắm, nhưng vì bả theo tui quá, biết làm sao. Tình yêu mà… Tui bò tới chứ biết làm sao giờ…" - ông Tèo cười kể về đám cưới ngày nào. Hồi đó, đôi vợ chồng trẻ về Bình Chánh, khi ấy còn toàn ruộng với gò đất bỏ hoang.
Đôi lứa cưới nhau được hai năm thì chiến tranh kết thúc. Ông Tèo được mọi người thương cho nghề làm heo kiếm sống. Khi Nhà nước cấm làm heo, ông chuyển sang bán vé số và mua bán thêm vật liệu xây dựng như mây tre lá để có thu nhập nuôi năm đứa con còn nhỏ. Sau đó, ông chuyển sang sửa xe đạp và giữ xe tại chỗ làm. Vợ chồng mướn một khoảnh đất nhỏ che căn chòi để cả gia đình tá túc và buôn bán.
Thời gian khó, vợ chồng ông từng nhịn đói cho con ăn, cũng như có lúc bà Gái phải chạy xe ôm chở những người quen đi chợ để có ít tiền phụ giúp chồng.
"Chẳng biết là trời thương hay sao ấy, bả lấy tui năm 20 tuổi thì sinh con đầu lòng, rồi cứ vậy mỗi năm một đứa. Đủ năm đứa với hai trai, ba gái thì thôi. Hai đứa con trai đầu, tui đặt tên là Kim - Cương. Cũng coi như món quà tặng bà nội quá cố vì tui là con một. Đời tôi chưa bao giờ vui đến vậy, dù nghèo đói mà gia đình đông đủ, quây quần… Chỉ buồn là về sau hai thằng con trai lần lượt mất vì bệnh…" - ông Tèo bùi ngùi kể.
Hiện hai vợ chồng vẫn sửa xe đạp hằng ngày, dù cuộc sống có đỡ vất vả hơn nhờ con cháu công việc ổn định đã giúp đỡ việc ăn uống, sinh hoạt. Tuy đã lớn tuổi, ông bà vẫn rất tình cảm, chăm lo cho nhau. Lúc bà đi vắng thì ông lo nấu cơm đợi bà về mới chịu ăn.
Chiều chiều, hai vợ chồng người ngồi xe lăn, người đạp xe đi từ ấp Bình Chánh xuống tận Gò Đen, Long An tập thể dục, mà ông Tèo bảo là đi theo bảo vệ bà Gái. Sáng sớm, họ lại chở nhau ra đầu đường vá xe và giữ thêm vài chiếc xe đạp cho công nhân gần đó.
"Thấy ổng ăn nói hùng hổ vậy chứ mít ướt lắm cô ơi. Thi thoảng hay la tui, cái tui bực bỏ đi uống cà phê tới chiều về là thấy ổng khóc lóc đi khắp làng xóm kiếm rồi. Mà kỳ, tui bực tui muốn bỏ đi miết rồi lại chỉ được cỡ một buổi là về vì lo ổng một thân một mình" - bà Gái cười kể chuyện y như vợ chồng son trẻ.
"Chồng là người khuyết tật, nhưng vợ ông không hề coi đó là điều xấu hổ mà vẫn một mực thương yêu chăm sóc chồng. Những khi ông bị bệnh phải đi bệnh viện, một tay bà lo chăm ông không rời nửa bước. Ai thấy hoàn cảnh của họ cũng đều cảm phục cho sự gắn bó vợ chồng suốt gần 50 năm qua, dù có lúc khó khăn đến mức vợ chồng phải nhịn đói cho con ăn" - ông Đàm Vũ Tri, bạn học từ thuở nhỏ của ông Tèo, tâm sự.
************
"Con thương anh Trí thật lòng. Con không muốn bất hiếu, cãi lời cha mẹ, nhưng cũng chẳng thể phụ anh ấy"...
>> Kỳ tới: Thương chàng "chim cánh cụt"
TTO - "Lúc siêu âm đứa đầu, bác sĩ bảo cháu sẽ có ngoại hình giống tui nhưng tui kiên quyết không bỏ. Bản thân tui đã vượt qua mọi rào cản để có cuộc sống, tình yêu như hôm nay thì tui tin con tui cũng sẽ làm được, thậm chí còn tốt hơn mình"
Xem thêm: mth.46361850170101202-tuc-oet-gno-auc-gnav-cuc-5-yk-hcel-aud-iod-gnuhn-hnit-neyuhc/nv.ertiout