Trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Muốn vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "cần coi trọng những động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư". Đó là “cỗ xe tam mã” trong năm 2021.
"Không có nhiệm kỳ nào ký được 4 hiệp định thương mại tư do như vậy"
Ngày 7.1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu về kinh tế mà ngành công thương đạt được trong thời gian vừa qua. Đóng góp vào thành tựu kinh tế đó phải kể đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương rất hiệu quả.
Theo đó, Bộ Công Thương đã 2 lần cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, điều này giúp khơi thông nguồn lực, tạo động lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công nghiệp chế biến nông sản đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua. Công tác kêu gọi đầu tư thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả.
Thủ tướng cũng biểu dương ngành điện đã đảm bảo cung cấp điện cho người dân. Với đà phát triển kinh tế như hiện nay, và cũng với khả năng phát triển các nguồn điện như hiện tại, ngành điện đã cam kết với Thủ tướng "sẽ không thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội". Thủ tướng cũng nói với lãnh đạo ngành điện rằng "nếu để thiếu điện, các anh cũng mất chức".
Nói về xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng đây không chỉ là điểm sáng của ngành Công Thương mà là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19, vượt 280 tỉ USD. Việt Nam đã có 31 mặt hàng trên 1 tỉ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỉ USD. Đáng chú ý, xuất siêu 5 năm qua đã đạt trên 43 tỉ USD.
Về hội nhập, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 thị trường, có FTA với 16 nền kinh tế, đặc biệt là các hiệp định của CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… “Không có nhiệm kỳ nào ký được 4 hiệp định thương mại tư do như vậy”, Thủ tướng cho biết.
Nhập siêu vẫn lớn
Dù ngành Công Thương có nhiều kết quả nổi bật trong năm qua, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ngành Công Thương quan tâm, khắc phục một số vấn đề.
Thủ tướng cho rằng, hiện nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn lớn. Nhiều ngành nghề vẫn chưa có giá trị gia tăng cao. Nhiều sản phẩm trong nước chưa có thương hiệu, quy mô quốc tế. Chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Hàng Việt vào siêu thị vẫn còn lép vế. Công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Giá nhiều mặt hàng chiến lược vẫn còn bị kiểm soát, chưa tạo sự phát triển.
“Ngành Công Thương phải coi doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới sáng tạo, tạo ra môi trường tốt hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng lưu ý Việt Nam không thao túng tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu. Chính sách tỷ giá trung tâm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung với mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thủ tướng cho biết trong tối nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ làm việc trực tuyến với Trưởng Cơ quan thương mại Hoa Kỳ (USTR) để thảo luận về vấn đề này.
Ông cũng lưu ý ngành Công Thương phải sớm cân bằng xuất khẩu với Trung Quốc. Việc chọn người lãnh đạo chất lượng cũng là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành Công Thương.
Cần coi trọng những động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng ngành Công Thương cần nâng cao năng suất nội ngành, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, chú trọng việc chuyển sang ngành công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, khoa học công nghệ.
Thủ tướng yêu cầu cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng thị trường trong nước, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho Việt Nam.
“Cỗ xe tam mã phải được duy trì trong năm 2021. Do đó, Bộ phải phấn đấu mọi mặt tốt hơn năm 2020, để phát triển mạnh mẽ đất nước”, Thủ tướng nói, đồng thời nhắc lại việc Chính phủ đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Muốn vậy thì cần coi trọng những động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư - đó là “cỗ xe tam mã” trong năm 2021.
Xem thêm: odl.896868-am-mat-ex-oc-irt-yud-iahp-1202-man-gnort-56-tad-pdg-noum-gnout-uht/et-hnik/nv.gnodoal