Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ về hỗ trợ để kinh tế tư nhân phát triển.
Vẫn còn tình trạng cải cách chưa đúng thực chất
Theo ông Đậu Anh Tuấn, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã và đang cải cách mạnh mẽ thể chế, cách điều hành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế cho thấy là các nút thắt cản trở sáng tạo của các doanh nhân đã được tháo bỏ rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt mong đợi của Chính phủ và Thủ Tướng.
Lần đầu tiên đã có quá trình tự rà soát điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Năm 2018 đã có đến 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành.
"Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn có tình trạng cải cách các điều kiện kinh doanh chưa thực chất, nhiều bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất. Như tình trạng gộp 3 điều kiện kinh doanh cụ thể làm 1 và thống kê là đã cắt giảm 2 điều kiện như một số doanh nghiệp và chuyên gia phản ánh.
Hay tình trạng chuyển điều kiện kinh doanh sang hình thức quản lý khác bằng quy chuẩn kỹ thuật hay quy định mới để giữ nguyên tinh thần xin phép, cấp phép" - ông Đậu Anh Tuấn nói, đồng thời nhấn mạnh:
Trong nội bộ từng bộ, vẫn phổ biến tình trạng các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này.
Những cơ quan này sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các bộ phận độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh cần tích cực tham vấn VCCI và các hiệp hội liên quan.
Cần tiếp tục cải cách hành chính để hỗ trợ khốikinh tế tư nhân bứt phá
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, giải pháp cần thực hiện thời gian tới là cần thực hiện rốt ráo Nghị quyết 68 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó đẩy mạnh cắt giảm các quy định liên quan đến kinh doanh, giảm chi phí thực hiện cho doanh nghiệp, hạn chế ban hành thông tư cấp bộ.
Đặc biệt quá trình thực hiện Nghị quyết này cần đẩy mạnh việc tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài.
"Chính phủ sau cân nhắc từ nhiều phía, các bộ, ngành, các chuyên gia... sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Trên cơ sở đó sẽ có phương án cải cách tốt nhất, độc lập, khách quan và thực chất nhất" - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Xem thêm: odl.094868-neirt-tahp-nahn-ut-et-hnik-ed-ihp-ihc-cut-uht-maig-tac-1202-man/et-hnik/nv.gnodoal