Sau nhiều tháng chờ đợi, vụ sáp nhập đình đám giữa 2 ông lớn Đông Nam Á Grab và Gojek được cho là đã đi vào "ngõ cụt". Thay vào đó, Gojek đang chuyển hướng quan tâm tới một doanh nghiệp đồng hương cho các kế hoạch M&A tiếp theo đó là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Indonesia là Tokopedia.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Gojek được cho là đã đàm phán với Tokopedia về khả năng sáp nhập. Thậm chí, hai bên đã ký một bản điều khoản chi tiết về việc thẩm định công việc kinh doanh của nhau.
"Đây có thể sẽ là một thương vụ bom tấn tạo ra hiệu ứng lớn không chỉ với hai công ty này mà có thể là cả thị trường Đông Nam Á nói chung trong tương lai", ông Usman Akhtar - chuyên gia hãng đầu tư Bain & Co cho hay.
Đây là một diễn biến đầy bất ngờ, trong bối cảnh hồi tháng 12 báo chí từng đưa ra thông tin cho thấy Grab và Gojek đã tiến sát khả năng sáp nhập. Tuy nhiên, kế hoạch đã rơi vào bế tắc bởi 2 bên mâu thuẫn trong việc quản lý thị trường Indonesia, cũng như các yêu cầu về quyền hạn của CEO Grab Anthony Tan.
Tài xế Gojek đợi đơn hàng thực phẩm bên ngoài một nhà hàng tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều chính phủ cũng bày tỏ lo ngại việc kết hợp 2 tên tuổi dẫn đầu lĩnh vực gọi xe, giao hàng và thanh toán sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền. Trong khi đó, thương vụ Gojek - Tokopedia lại được cho là sẽ ít gặp sự giám sát hơn và khả năng "sáp nhập thân thiện" khá cao do quan hệ tốt giữa nhà sáng lập 2 hãng.
Kế hoạch cũng đề xuất IPO, doanh nghiệp mới cả ở Indonesia và Mỹ, giúp tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á.
Ông Mark Robinson - hãng tư vấn luật Herbert Smith Freehills cho biết: "Nhiều startup trong khu vực Đông Nam Á đã bước vào giai đoạn trưởng thành, nhiều nhà đầu tư mong muốn có chiến lược rút vốn có lãi, đòi hỏi các công ty phải đưa ra nhiều lựa chọn chẳng hạn như IPO".
Nếu thương vụ thành công, công ty mới có hoạt động sẽ trải khắp từ gọi xe, thanh toán, mua sắm trực tuyến cho tới giao hàng, với tổng giá trị lên tới 18 tỷ USD. Đồng thời, công ty mới có vị trí thống lĩnh thị trường Indonesia - một trong những nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!