Tính đến 31-12-2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm ngoái tăng 13,65%). Thông tin trên vừa được đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động ngân hàng, triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 do NHNN tổ chức vào chiều nay, ngày 7-1.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành”.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, trần lãi suất tiền gửi giảm 0,6 - 1,0%/năm, trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Về điều hành tín dụng, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên đến khoảng 2,3 triệu tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 26% tổng dư nơ hệ thống.
Ngoài ra, có khoảng 45.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ngân hàng.
Định hướng hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2021, ông Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Trong năm 2021, ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% nhưng sẽ có sự điều chỉnh khi cần thiết.
Đồng thời NHNN cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.