"Nếu không có biến động lớn trong năm 2021 thì có thể tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7. Tuy nhiên, chỉ nên tăng ở một tỷ lệ nhỏ để không gây áp lực quá lớn lên doanh nghiệp", chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ với VnEconomy.
Liên quan đến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng có thể xem xét được.
Theo bà Hương, năm 2020 vừa qua dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là điều kiện để có thể tăng lương được. Tuy nhiên, chỉ nên tăng ở một mức thấp, chẳng hạn nếu như mọi năm có thể tăng ở mức 6 – 7% thì năm 2021 có thể chỉ nên tăng ở mức 3 – 4% nhằm điều chỉnh tiền lương cho người lao động.
Nếu như có thể tăng lương trong năm nay thì đây sẽ là động lực lớn động viên người lao động sau một năm nỗ lực, song bà Hương cho rằng cũng nên lưu ý đến các nhóm lao động khác nhau.
Bởi vì, bên cạnh nhóm lao động được hưởng lợi sẽ có thể có nhóm lao động phải ra khỏi nhà máy trong trường hợp áp lực từ chi phí tăng lương tối thiểu lớn buộc doanh nghiệp phải sa thải lao động. Điều này vô hình chung sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các nhóm lao động.
Với doanh nghiệp, bà Hương nhìn nhận sẽ có những tác động liên đới từ việc tăng lương tối thiểu vùng.
"Khi tăng lương thì luôn kéo các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí bảo hiểm xã hội. Như vậy, chắc chắn tổng chi phí sử dụng lao động cũng sẽ tăng lên, đó là câu chuyện phải cân nhắc kỹ khi tăng lương, chẳng hạn tôi biết có đơn vị dệt may nói rằng khi tăng một đồng lương tối thiểu thì họ phải tăng chi phí lên gấp 3 lần", bà Hương cho biết.
Mặc dù thừa nhận áp lực tăng chi phí lên các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên chuyên gia này nhấn mạnh trong trường hợp năm 2021 không có biến động lớn hoàn toàn có thể tính toán đến việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7.
"Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu có điều kiện thì nên tăng lương cho người lao động nhưng chỉ nên tăng ở một tỷ lệ nhỏ, có thể chỉ bằng tốc độ tăng của CPI năm vừa qua, tóm lại là điều chỉnh ở mức thấp để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp", bà Hương nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm.
Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.
Xem thêm: mth.12252235170101202-paht-cum-o-gnuhn-1202-man-gnuv-ueiht-iot-gnoul-gnat-eht-oc/nv.ymonocenv