Do chưa mở rộng làn đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ đường Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát, nên tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc giao thông - Ảnh: TỰ TRUNG
Chưa kể nhà đầu tư còn phải đầu tư các hạng mục để hoàn thiện đồng bộ tuyến đường này.
Đường chưa đồng bộ
Chị Bùi Thị Hiền, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết cứ vào giờ cao điểm, hàng ngàn người dân lại dồn từ đường Nguyễn Văn Linh về Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) làm việc. Xe cộ quá đông, đường lại hẹp khiến có hôm xe phải nhích từng chút.
"Đường Nguyễn Văn Linh từ Bình Chánh về Nguyễn Thị Thập có tới 10 làn xe. Còn đoạn từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát không hiểu sao lại chỉ có 6 làn xe", chị Hiền thắc mắc.
Dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Linh theo thiết kế mặt đường rộng 60m cho 10 làn xe lưu thông. Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, nay là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, là nhà đầu tư; dự án hoàn thành năm 2007 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Đổi lại việc đầu tư xây dựng tuyến đường dài 17,8km, nhà đầu tư được đầu tư xây dựng 5 cụm dân cư dọc tuyến với diện tích 600ha đất.
Đối chiếu với quyết định 1310/1999 của Bộ Xây dựng phê duyệt, đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập hiện chưa thực hiện đúng theo thiết kế về làn xe.
Báo cáo mới đây, nhà đầu tư cho biết chưa mở rộng đoạn trên do tuân thủ quy định của cơ quan thẩm quyền không lấp rạch để thực hiện thi công.
Sau đó, UBND TP.HCM vẫn yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các làn xe theo quy mô đã được duyệt với yêu cầu không được lấp rạch làm ảnh hưởng đến thoát nước.
Còn với các đường gom dọc tuyến dẫn vào khu đô thị, mỗi bên còn phải bổ sung 2 làn xe, nhà đầu tư sẽ thực hiện ngay sau khi có mặt bằng.
Theo nhà đầu tư, năm 2017 đã đề xuất phương án sơ bộ mở rộng đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ Nguyễn Thị Thập về Huỳnh Tấn Phát mỗi bên thêm 13,5m, bề rộng nền đường 57m, đáp ứng tương đương với 10 làn xe.
Trong báo cáo gửi Sở GTVT TP, nhà đầu tư cho biết đang hoàn thiện thủ tục, khi hồ sơ thiết kế được duyệt sẽ thi công ngay và dự kiến hoàn thành trong quý 1-2021. Nhưng đến nay đoạn đường trên vẫn chưa được tổ chức thi công.
Chậm trễ sửa đường
Nhiều năm qua, Sở GTVT TP nhận được phản ảnh của người dân về đường Nguyễn Văn Linh hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời. Trong năm 2020, sở có khoảng 6 văn bản đề nghị nhà đầu tư phải sửa đường để xóa "ổ voi, ổ gà".
"Dù nhiều lần đề nghị nhưng công ty không sửa chữa hoặc sửa chữa rất chậm, các vị trí sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc nhanh chóng hư hỏng trở lại. Đề nghị nhà đầu tư sửa chữa toàn bộ mặt đường, đặc biệt từ cầu Ông Lớn đến quốc lộ 50", văn bản Sở GTVT TP.HCM gửi nhà đầu tư vào tháng 10-2020 nêu.
Sau nhiều lần đề nghị, theo ghi nhận vào tháng 11-2020, nhà đầu tư đã rào chắn, thảm nhựa sửa chữa mặt đường.
Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh là trạm thu phí đặc thù trên địa bàn TP.HCM, không phải là trạm thu phí BOT.
Tuyến đường này được tổ chức thu phí trong vòng 30 năm từ 1998 đến 2028. Nếu tiền thu phí sau khi duy tu đường còn dư sẽ nộp cho UBND TP.HCM 70% và nhà đầu tư được sử dụng 30%.
Còn nếu doanh thu không đủ bù chi phí, nhà đầu tư sẽ tự trang trải bằng nguồn thu từ kinh doanh cơ sở hạ tầng ở các cụm dân cư được phát triển. Sau khi hết hạn, nhà đầu tư sẽ bàn giao tuyến đường này cho TP.
Ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết việc Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng tổ chức thu phí trên đại lộ Nguyễn Văn Linh là có cơ sở.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cần giao cho các cơ quan chức năng của TP theo dõi, giám sát, quyết toán hằng năm và số tiền thu được cần công khai trước HĐND và thông tin cho các đối tượng nộp phí rõ.
Về mức phí cũng cần nghiên cứu điều chỉnh kịp thời sao cho không để chênh lệch giữa số phí thu được và số chi cho công tác tổ chức thu phí và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ quá lớn.
Thường xuyên ùn tắc tại các giao lộ
Hiện tại các giao lộ với đường Nguyễn Văn Linh thường xuyên ùn tắc, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Việc cần làm ngay là lên kế hoạch đầu tư các nút giao để tránh xe cộ xung đột.
Nhưng ai sẽ làm? 12 năm trước, sở ngành TP từng đề nghị Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng rà soát hoàn thiện tuyến đường này tại các nút giao với quốc lộ 1, hương lộ 5, liên tỉnh lộ 50, Nguyễn Tri Phương nối dài, hương lộ 34, liên tỉnh lộ 15.
Các nút giao này theo quyết định 4318/1994 của UBND TP phê duyệt đều giao nhau khác cốt lập thể (tức hầm chui hoặc cầu vượt).
Tháng 8-2020, Sở GTVT TP đã đề nghị Ban quản lý khu Nam cùng nhà đầu tư rà soát lại toàn bộ hồ sơ để đánh giá đầy đủ về trách nhiệm đầu tư.
Trong đó, sở đề nghị nhà đầu tư báo cáo tiến độ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại chưa thực hiện như xây dựng nút giao, bổ sung làn đường, cao độ mặt đường...
Phản hồi cơ quan chức năng TP, nhà đầu tư khẳng định không có trách nhiệm đầu tư các nút giao trên tuyến.
Viện dẫn quy định, nhà đầu tư cho rằng đường Nguyễn Văn Linh được duyệt từng giai đoạn dựa trên quyết định của Bộ Xây dựng, trong đó quyết định 1310/1999 cũng không đề cập tới việc công ty phải thi công các nút giao thông.
TTO - Lý do, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Nguyễn Văn Linh của Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng không hiệu quả, có nhiều bất cập.
Xem thêm: mth.61603409080101202-uad-od-gnor-om-mahc-hnil-nav-neyugn-gnoud/nv.ertiout