Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông tin về trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thường trú tại Quảng Ninh (bệnh nhân số 1.489) sau khi trở về địa phương từ khu cách ly tập trung ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Ông Đặng Quang Tấn khẳng định: “Trường hợp này có vi phạm quy định cách ly. Thứ nhất, chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng nhưng đã được cho ra khỏi khu cách ly. Sau khi ra khỏi khu cách ly, các lực lượng không bố trí đơn vị, cơ quan chức năng để đưa đón, bàn giao cho địa phương. Trường hợp này sử dụng xe riêng của gia đình, đưa về khách sạn của gia đình để cách ly. Khi đã trở về nhà, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ mới thông tin trường hợp này dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, bệnh nhân đã cùng gia đình đi ăn tối ở bên ngoài... Chính trường hợp này không thực hiện nghiêm quy định hạn chế tiếp xúc với mọi người”.
Liên quan đến trường hợp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại các quy trình. Nơi nào sai, Bộ Y tế chính thức có văn bản kiến nghị xử lý nghiêm. Không thể vì lơi lỏng, thoải mái cá nhân của một số người, một bộ phận cán bộ, công chức mà gây nguy hại cho cộng đồng.
Liên quan đến thông tin, người dân khi thấy triệu chứng mắc COVID-19, xét nghiệm tại cơ sở y tế cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng sau đó, xét nghiệm lại ở đơn vị có năng lực tốt hơn lại cho kết quả âm tính, chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của sự việc có thể do quá trình lấy mẫu, kết quả xét nghiệm hoặc hiệu quả của phương pháp xét nghiệm.
“Tuy nhiên, đối với kết quả âm tính rồi lại dương tính, không thể nói là do lấy mẫu hoặc làm xét nghiệm sai, có thể do hiệu quả của test-kit chỉ đạt 95% hoặc có thể do trường hợp dương tính giả, dương tính với virus Corona khác. Việc các viện Pasteur xét nghiệm 2 lần bằng các test-kit khác nhau, tôi cho rằng kết quả xét nghiệm có thể tin tưởng được”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu rõ.
Về thời gian thực hiện cách ly, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, thời gian ủ bệnh của người nhiễm virus SARS-CoV-2 đến khi xét nghiệm, phát hiện mắc COVID-19 sớm nhất từ khoảng 1-2 ngày, trung bình khoảng 5-6 ngày. Một số trường hợp phát hiện vào ngày thứ 19 hoặc ngày thứ 27. Một số bài báo trên thế giới đã thông tin về khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đó là những trường hợp phơi nhiễm kép, nghĩa là đã bị nhiễm lần 2. Do đó, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định, đến nay, quan điểm của ngành Y tế về thời gian ủ bệnh vẫn là 14 ngày nên vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày.
Rà soát lại quy trình giao - nhận người trở về từ khu cách ly
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2021, tổ chức Đại hội XIII của Đảng… Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nước. Phó Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc giathực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các lực lượng cần theo dõi tình hình, nhưng về cơ bản, không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch bệnh trong nước, tiếp tục “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”. Các bộ, ngành, địa phương khuyến cáo, người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K; cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (https://antoancovid.vn/).
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh hiện hữu từ bên ngoài, bên cạnh các biện pháp của lực lượng biên phòng, an ninh, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường công tác nắm sát địa bàn của chính quyền cơ sở, dưới sự tham mưu của lực lượng Công an và Y tế. Các lực lượng này nhanh chóng nắm bắt thông tin, vận động gia đình có người thân đang ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam không nhập cảnh bất hợp pháp, nhất là ở những địa bàn có đường bộ với Việt Nam. Nếu có nhu cầu về nước theo chủ trương của Nhà nước, mọi người nên nhập cảnh hợp pháp và thực hiện nghiêm quy định cách ly.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, khi có bà con trở về, các địa phương chủ động bố trí đưa vào khu cách ly tập trung, đặc biệt với những người hoàn cảnh khó khăn. Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng, những đối tượng vào cách ly gặp khó khăn về vấn đề chi phí, Nhà nước sẽ hỗ trợ, trước mắt chính quyền địa phương nơi cách ly sẽ chủ động chi trả, giải quyết.
Đối với các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo giữ được an toàn trong nước. Lực lượng Quân đội, Y tế, Giao thông, Ngoại giao rà soát lại năng lực cách ly của các trung tâm trên tinh thần "tuyệt đối an toàn", từng bước giải quyết các nhu cầu chính đáng của bà con trở về nước.
Qua thực tiễn các trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm chính thức nhưng đã bàn giao về các địa phương, các ý kiến cho rằng, quy trình giao - nhận người sau khi trở về từ khu cách ly, theo dõi y tế tại địa phương vẫn còn sơ hở. Các chuyên gia đề nghị, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại và có văn bản chỉ đạo chi tiết cho bên giao và bên nhận người rời khỏi khu cách ly tập trung theo quy định; đồng thời, có các biện pháp theo dõi y tế nghiêm ngặt, đảm bảo cách ly ít nhất 14 ngày sau đó, hạn chế lây lan ra cộng đồng trong trường hợp mắc COVID-19.
Đối với một số trường hợp cá biệt (sau khi nhập cảnh 14 ngày, xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính với virus SARS-COV-2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rà soát, đánh giá lại quy định nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, chỉ đạo ngành Ytế tăng cường công tác kiểm soát trường hợp cách ly tại khách sạn; tăng cường cập nhật thông tin trên các hệ thống để đảm bảo theo dõi tất cả mọi người Việt Nam từ khâu bắt đầu đăng ký để được về nước, đến khi về nước thực hiện cách ly, giám sát y tế.
* Theo Bộ Y tế, trong hơn 100 ca mắc COVID-19 đang điều trị, có 2 bệnh nhân nặng. Ca bệnh nặng đầu tiên là nữ bệnh nhân T.T.B (BN 1465), 61 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trở về từ Mỹ ngày 21/12/2020, có tiền sử cắt thùy giáp bên phải, được chuyển lên điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 31/12/2020. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân mệt nhiều, run chân tay, chán ăn. Hiện bệnh nhân đã được sử dụng an thần, thở máy, cơn bão cytokines xuất hiện, cộng thêm biểu hiện suy tim, tắc mạch phổi… Tại buổi hội chẩn trực tuyến hỗ trợ chuyên môn ca bệnh nặng ngày 7/1, Hội đồng chuyên môn đề nghị BV xem xét lọc máu cho người bệnh, đồng thời điều phối thuốc hiếm “Remdesivir” từ BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam ra hỗ trợ để kịp thời điều trị bệnh nhân. Ca bệnh nặng thứ hai là BN1405, 74 tuổi, từ Mỹ về, có tiền sử viêm gan B mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân vào BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam ngày 7/12 vì nôn ra máu, viêm phổi nặng, nhiễm amip đường ruột, biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, suy tim, suy gan/ xơ gan tiến triển… Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã có những tiến triển tích cực hơn, song tiên lượng còn nặng. Theo Hội đồng chuyên môn, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực, nếu có diễn biến bất thường, Hội đồng sẽ tiếp tục họp và cho ý kiến. * Liên quan đến vụ việc để lọt bệnh nhân COVID-19 (BN 1498, du học sinh từ Mỹ về) từ khu cách ly về nhà (Quảng Ninh) khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính xảy ra tại Chương Mỹ (Hà Nội), tối 7/1, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chương Mỹ vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày với 2 cán bộ thuộc Trung tâm. Đó là ông Phùng Quốc Toán, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, TTYT huyện Chương Mỹ và ông Nguyễn Hữu Tùng, cán bộ trực tiếp cập nhật hồ sơ, Khoa Kiểm soát dịch bệnh, TTYT huyện Chương Mỹ. Ngoài việc đình chỉ 2 cán bộ này, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xem xét hình thức kỷ luật các cá nhân liên quan. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc TTYT huyện Chương Mỹ. Ông Thiềng là người ký giấy cho bệnh nhân COVID-19 rời khỏi khu cách ly khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2. Được biết, đến chiều 7/1, tất cả 13 F1 của bệnh nhân 1498 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trần Hằng |