vĐồng tin tức tài chính 365

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, 1 thế kỷ gắn với cổ nhạc

2021-01-09 06:59
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918, từ năm tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò và đến 10 tuổi thì thành thục nhiều loại nhạc cụ khác. Có thể nói dường như số phận của nhạc sư Vĩnh Bảo sinh ra là để dành cho cây đờn, từ tuổi ấu thơ biết đờn cho đến ngày tạ thế. 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, 1 thế kỷ gắn với cổ nhạc - ảnh 1
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh vào tháng 11-2018. Ảnh: QUỲNH TRANG

Người cuối cùng của thế hệ đầu cải lương, đờn ca tài tử

Ở Việt Nam, có lẽ nhạc sư Vĩnh Bảo là người thuộc thế hệ khởi đầu của cải lương, đờn ca tài tử và là người chơi nhạc có tuổi nghề lâu nhất. Từ khi ông cầm cây đờn từ kìm, tranh, cò, gáo, độc huyền… ông đều nhuần nhuyễn.
Những năm 1930, ông đã có đĩa nhạc đầu tiên khi thu âm cùng giọng ca cô Ba Thiệt (chị gái cô Năm Cần Thơ) và hai nghệ sĩ đờn Năm Nghĩa, Ba Cân. Đĩa nhạc này đánh dấu sự hình thành của vọng cổ nhịp 16, sau đó Dạ cổ hoài lang mới phát triển. Ông cũng thuộc hàng thế hệ sáng lập Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM)…
Điều làm nên tên tuổi nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chính là khi ông nghiên cứu cải tiến đàn tranh 16 dây truyền thống thành những cây đàn tranh 17, 19, 21, 25 dây. Những cải tiến đó làm nên cây “đàn tranh Vĩnh Bảo” mà cho đến giờ con trai của nhạc sư vẫn tiếp tục với nghề làm đàn.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, 1 thế kỷ gắn với cổ nhạc - ảnh 2
GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sư Vĩnh Bảo (từ trái sang) trong một buổi trình diễn tại Hoa Kỳ tháng 11-1971. 

Ông cũng từng cùng GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy dạy âm nhạc tại ĐH Nam Illinois vào năm 1971. Suốt những năm 1970-1972 ông là giáo sư thỉnh giảng tại đại học này. Tiếp tục năm 1972 ông cùng GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp) năm 1972.

Có thể nói, không chỉ là người chơi nhạc, làm nhạc mà ông là chứng nhân của tất cả huy hoàng lẫn bóng tối của đờn ca tài tử và cải lương suốt thế kỷ qua. Thế nên khi ông mất đi, bao thế hệ hậu bối hụt hẫng. Bởi giữa thực tế âm nhạc truyền thống đang ngày càng phai nhạt, nhạc sư Vĩnh Bảo như ngọn đèn còn đó để học trò hướng theo. 
Linh cữu nhạc sư Vĩnh Bảo (Henri Nguyễn Vĩnh Bảo) hiện đang được quàn tại Câu lạc bộ Hưu trí TP Cao Lãnh (209 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) để người thân, bạn bè, người mộ điệu đến viếng. Lễ di quan sẽ diễn ra vào 10 giờ ngày 10-1, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Quản Khánh, TP Cao Lãnh.  
Mất nền văn hóa e rằng mất nước
Nhạc sư Vĩnh Bảo có rất nhiều thế hệ học trò, trong nước lẫn nước ngoài, là nghệ sĩ lẫn người vô danh… Tất cả ai yêu âm nhạc dân tộc đều có thể tìm đến ông và ông không từ chối. 
Bởi thế, cho đến tuổi ngoài 100 ông vẫn thường xuyên dạy các lớp học trực tuyến cho bất cứ học trò nào với tâm nguyện “muốn lôi kéo giới trẻ quay về với nhạc dân tộc thì hãy cho chúng thấy những nét tinh vi, hay ho, độc đáo của nhạc Việt Nam.
Chương trình giảng dạy phải do người có trách nhiệm về văn hóa, có nắm vững truyền thống, biết hướng đi của nó biên soạn ra để các nhạc sĩ theo đó mà dạy.
Âm nhạc chung, trách nhiệm chung. Sự đóng góp của mỗi người tuy có khác nhau nhưng sẽ được đời sau tôn vinh nếu có giá trị. Tôi thiết nghĩ cũng cần nhắc nhở giới trẻ là khi vinh danh một nước, người ra nhìn vào cái tinh thần của dân tộc nước ấy, chớ không phải diện tích hay dân số.
Một dân tộc mà đánh mất đi nền văn hóa của chính mình thì việc mất nước e khó tránh” - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từng chia sẻ khi nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục ở giải văn hóa Phan Châu Trinh 2015.
Đời sống thong dong chữ nhàn với âm nhạc
Nhạc sư Vĩnh Bảo là người chơi đàn, dạy đàn đến những phút giây còn tỉnh táo cuối cùng. Ông nhập viện vì tuổi cao từ tháng 11-2020. Trong suốt những ngày trên giường bệnh, khi các thế hệ học trò đến thăm, ông đều cố gắng nói chuyện về cổ nhạc miền Nam. 
Những ngày đầu tháng 12, nhạc sư Vĩnh Bảo rơi vào cơn mê suốt ba ngày, thế nhưng khi các học trò như NSƯT Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát, TS Lê Hồng Phước đến thăm và đàn cho ông nghe thì ông thức tỉnh.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, 1 thế kỷ gắn với cổ nhạc - ảnh 3
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại nhà riêng ở TP.Cao Lãnh vào tháng 11-2018. Ảnh: Quỳnh Trang

Một người dạy âm nhạc với nhiều ngôn ngữ Anh, Pháp, Hoa (Quảng Đông)… bôn ba từ Đông sang Tây, vẫn quyết ở lại Sài Gòn sau năm 1975 và cho đến năm 2018 chọn trở về quê nhà Cao Lãnh cho những năm cuối đời… đã từng nói: “Kể từ lần cuối về Cao Lãnh là năm 1973 thì đến giờ tôi mới về lại. Xưa Cao Lãnh chỉ có một con đường, giờ đường sá nhiều quá, những gì của ngày xưa dường như không còn nhưng người dân thì rất dễ thương… Mà nói cho đúng ngay từ trước năm 1973 tôi cũng ít về nhà, tôi lêu bêu sống từ Campuchia, Sài Gòn, Pháp, Mỹ… từ nhỏ nên giờ ở đâu cũng như khách” - nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ.

Ở Sài Gòn hay Cao Lãnh, ở Việt Nam hay nước ngoài… nếu ai từng trò chuyện hoặc nghe nhạc sư Vĩnh Bảo nói chuyện nhiều lần đều dễ dàng nhận thấy sự nhất quán ở ông: Mọi thứ ở đời đều tạm, ở đâu ông cũng chỉ là khách trú chân…
Hôm nay ông đã rời cõi tạm này, cầu mong linh hồn Henri Nguyễn Vĩnh Bảo đến một nơi mới thong dong…, như câu thơ nhạc sư từng viết: “Chẳng màng danh lợi, chẳng giàu sang. Ngày tháng thong dong một chữ nhàn. Ngâm vịnh đề thơ vui cảnh trí. Thiên nhiên riêng đủ cả kho tàng…”.•

 Sáng tạo khi hiểu biết uyên thâm

“Nhà nghiên cứu âm nhạc, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong gọi nhạc sư Vĩnh Bảo là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”.

Về mặt này, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cũng cho chúng ta những bài học thật sâu sắc. Bảo vệ không chỉ, không phải là giữ gìn khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ.

Đương nhiên chỉ có thể làm được điều đó khi và chỉ khi có một tình yêu tha thiết và một hiểu biết uyên thâm đối với di sản; có lẽ còn hơn thế nữa, cả một hiểu biết rộng rãi âm nhạc thế giới.

Chính trên cơ sở như vậy mà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã vượt qua lối ký âm theo solfège phương Tây, sáng tạo ra cách ký âm đặc biệt rất tinh vi cho nhạc khí Việt Nam theo phong cách “tablature” - như cách gọi của GS Trần Văn Khê, hoàn toàn thích hợp với nhạc dân tộc Việt; lại kết hợp linh hoạt, tinh tế với cách truyền khẩu, truyền ngón riêng độc đáo trong đời sống âm nhạc truyền thống của người Việt” - nhà văn Nguyên Ngọc giới thiệu về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh 2015.

Xem thêm: lmth.835069-cahn-oc-iov-nag-yk-eht-1-oab-hniv-neyugn-us-cahn/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, 1 thế kỷ gắn với cổ nhạc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools