Nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 cần được “tiếp sức” để vượt qua khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục có chính sách miễn giảm thuế phí, giảm lãi, giãn thời gian trả nợ vay... để doanh nghiệp và người dân có thể cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài.
"Tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những gì gây phiền hà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp thì chúng ta nên tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp
Khái quát kết quả nổi bật của ngành tài chính năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với COVID-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.
Ngành tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỉ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Nhận định tình hình còn diễn biến phức tạp và còn nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong năm 2021, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời cơ cấu ngân sách nhà nước, nợ công, phát triển ngân sách quốc gia an toàn, bền vững.
"Ngoài nhiệm vụ thu chi, quản lý ngân sách nhà nước, ngành tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước. Với tinh thần đó, ngành cần chủ động phối hợp các cấp, các địa phương bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Công nhân trên dây chuyền sản xuất sợi tại Tổng công ty CP Phong Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh để sẵn sàng trình cấp có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Tinh thần sẽ có cả chính sách hỗ trợ ngắn hạn được báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, nhằm hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh" - ông Phương nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một trong những nhiệm vụ mà ngành tài chính sẽ tập trung trong năm nay là tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách về thuế, phí và lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, thu nhập do dịch COVID-19...
Nếu không được tiếp sức kịp thời, hoạt động sản xuất tại nhiều doanh nghiệp sẽ bị đình trệ, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng - Ảnh T.V.N.
Để doanh nghiệp không "ngồi trên đống lửa"
Cũng liên quan câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, tại buổi làm việc ở TP.HCM vào cuối ngày 7-1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng thông tư 01 (về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ...) là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng thông tư này, không ai nghĩ dịch còn kéo dài như thế.
Theo ông Tú, khó khăn trong giao thương khiến các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và cần hỗ trợ để phục hồi. Ngay trong phương hướng năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng coi việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do COVID-19 là một trong những mục tiêu phải tập trung thực hiện.
"Do vậy việc sửa thông tư 01 cũng theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn" - ông Tú khẳng định.
Do đó, theo ông Tú, thông tư 01 sẽ được xác định một cách hợp lý trong vấn đề cơ cấu lãi các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng. Trong đó xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng nhưng cũng bảo đảm các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cho biết như "ngồi trên đống lửa" vì hết hạn lấy ý kiến đã lâu nhưng thông tư sửa đổi thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa được ban hành. Nếu thông tư không được ban hành kịp thời, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn. Trong khi đó, các ngân hàng cũng lo lợi nhuận sẽ bị giảm mạnh nếu phải trích lập dự phòng.
Bà Nguyễn Thị Khánh (chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM):
Giảm thuế VAT, giãn nợ cho doanh nghiệp du lịch
Bà Nguyễn Thị Khánh
Ngành du lịch đang ở giai đoạn khó khăn, chúng tôi tiếp tục kiến nghị hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành. Ngoài hỗ trợ chủ trương chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới thì gói hỗ trợ cần giải quyết được những bất cập hiện nay để doanh nghiệp rộng đường phát triển du lịch, phục hồi dần ngành du lịch.
Dù Chính phủ đã có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp từ ngày 19-6-2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp du lịch.
Do đó, chúng tôi đề xuất xem xét hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các cơ sở lưu trú trong hai năm 2021-2022. Hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021. Xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.
Chúng tôi cũng mong ngành ngân hàng giãn trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp du lịch rơi vào nhóm nợ xấu, hỗ trợ trả nợ vay, đồng thời cho phép doanh nghiệp vay lại tiền ký quỹ không lãi suất. Gói hỗ trợ mới cần xem xét có chính sách và thời gian trả lãi suất ngân hàng đến khoanh trả lãi vay, không tính vay quá hạn. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giảm thời gian trả nợ vay...
Ông Jean-Jacques Bouflet (phó chủ tịch EuroCham):
Hỗ trợ với tầm nhìn dài hạn
Ông Jean-Jacques Bouflet
VN đã củng cố môi trường kinh doanh và hiện đại hóa khung pháp lý tạo ra những thay đổi tích cực từ khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) được thực thi. Thách thức trong tương lai là việc đảm bảo quá trình thực thi hiệp định sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Trong hoàn cảnh tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn mở rộng thị trường, nhưng hiệp định được ký kết với tầm nhìn dài hạn không chỉ trong năm nay hay năm sau mà cho tầm nhìn 20 năm nữa.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của COVID-19 chỉ là ngắn hạn, những gói hỗ trợ sẽ tốt cho doanh nghiệp lúc này nhưng chúng ta cần nhìn dài hạn là doanh nghiệp cần một môi trường thuận lợi, rõ ràng.
Chẳng hạn, việc thúc đẩy cấp giấy phép bằng hình thức điện tử, giảm tiếp xúc, áp dụng công nghệ để cải tiến quy trình thủ tục hành chính... sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều. Các doanh nghiệp cần biết được những điều kiện để hưởng thuế quan, những tiêu chuẩn chất lượng để dễ dàng xuất sang châu Âu, hay nắm rõ quy tắc để đạt được điều kiện ưu đãi.
Chúng tôi muốn các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các lợi ích mà hiệp định EVFTA đạt được, chủ động hợp tác với cơ quan quản lý ban ngành để hiện thực hóa điều đó, nhất là trong giai đoạn đầu, khi hiệp định vừa có hiệu lực vẫn còn nhiều bỡ ngỡ cho các doanh nghiệp nắm bắt.
N.BÌNH ghi
TTO - Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Theo đó, mỗi lít nhiên liệu bay được đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường là 2.100 đồng thay vì mức 3.000 đồng.
Xem thêm: mth.8401118090101202-euht-maig-coud-nac-peihgn-hnaod/nv.ertiout