Gia đình bà Ba có mặt tại đường sách từ sáng sớm. Cháu nội của bà nay mới hơn 1 tuổi. Mỗi người gọi một thức uống mình yêu thích: người gọi trái dừa tươi, người chọn cafe, ly nước cam cho hai bé nhỏ. Đứa trẻ được mẹ ẵm líu lo trò chuyện.
Con đường độc nhất vô nhị ở Sài Gòn
Nhiều gia đình chọn đường sách TP.HCM là nơi nghỉ ngơi cuối tuần, trò chuyện cùng nhau sau những ngày bận rộn. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Điều đặc biệt, trên bàn không có bóng dáng chiếc điện thoại, thiết bị công nghệ tưởng chừng chẳng bao giờ thiếu được trong cuộc sống hiện đại. Bà bảo, cứ mỗi sáng thứ 7, chủ nhật, cả gia đình lại thu xếp, gác lại những bộn bề cuộc sống, hạn chế tối đa việc dùng điện thoại để đọc sách, trò chuyện cùng nhau.
Ngó ra sân khấu trang hoàng rực rỡ kế bên, bà mỉm cười hồn hậu: “Nhanh thật, vậy là đã 5 năm rồi”. Năm năm không phải là dài so với một đời người nhưng là vô vàn kỉ niệm. Bà vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đường sách mới thành lập. Từ một con đường đông đúc xe cộ tấp nập với bụi đường, khói thuốc,…rồi trở thành đường sách, nơi đây như biến thành một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống xô bồ, ồn ã ngoài kia.
Lễ kỉ niệm vừa diễn ra sáng nay 9-1 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
“Giờ đâu đâu người ta cũng xài điện thoại, hẹn nhau đi cafe mà chẳng trò chuyện, cứ chúi đầu bấm bấm, buồn quá. Với gia đình tôi, ra đường sách không chỉ để đọc sách mà là để sống chậm lại, bên nhau nhiều hơn có thể”, bà Ba cười.
Lang thang với chiếc máy ảnh trên tay, ông Michael chụp bất cứ thứ gì ông cảm thấy thú vị. Đó là niềm vui của ông những ngày cuối tuần rảnh rỗi. Ông nói tiếng Việt rất sõi bởi hơn nửa đời người ông dành trọn tình yêu cho dải đất chữ S này.
Michael nói ông đã gắn bó với Việt Nam 33 năm nay. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Michael từng là cố vấn quản lý rủi ro dầu khí, ông đã đi rất nhiều nơi, số con đường ông đã đi qua chẳng thể nào đếm hết. Nhưng với ông, đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn là hồi ức đáng nhớ, để mỗi cuối tuần, ông lại xách máy ảnh lang thang như một thú vui riêng của mình. “Ở đây có hàng cây xanh mát. Tôi thích gặp những người bạn mới, tôi thích chụp ảnh. Tôi thích những quyển sách đẹp, và chúng luôn mê hoặc tôi”, Michael nói.
5 năm nghĩa tình
Hôm nay 9-1, đường sách HCM tổ chức lễ kỉ niệm, nhìn lại chặng đường 5 năm hình thành và phát triển. Đúng ngày này, 5 năm trước, đường sách TP.HCM chính thức ra đời và liền sau đó được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2016.
Chuyến xe chở tri thức, hình ảnh thân thuộc tại đường sách TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Từ một công trình giao thông, với sự chung tay của nhiều cá nhân tập thể, đường Nguyễn Văn Bình đã trở thành không gian tri thức, điểm đến văn hoá nhất là những dịp cuối tuần của hàng triệu bạn đọc du khách.
Trong phần lễ tri ân những các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phát triển đường sách TP.HCM 5 năm qua, nhiều người bất ngờ khi được xướng tên. Đó là các cô, chú nhân viên vệ sinh, bảo vệ, thi công...những người hùng thầm lặng giữ gìn một không gian sách xanh sạch, đẹp an toàn cho hàng triệu bạn đọc.
Tri ân những người hùng thầm lặng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Tham dự lễ kỉ niệm không chỉ có lãnh đạo cấp cao như ông Huỳnh Vĩnh Bảo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng ban Tuyên giáo trung ương)…cùng lãnh đạo ban ngành thành phố mà còn có hàng trăm độc giả, vì yêu sách, quý sách mà đến.
Đó là những cô cậu học trò, là những em sinh viên, là những công chức người lao động, có cả những em bé còn nằm trên nôi được ba mẹ đưa đến. Có những người tóc còn xanh, và có cả những người tóc đã bạc trắng, phải chống gậy tới.
Họ đến vì tình yêu với sách, vì muốn được thư giãn nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả hoặc đơn giản là muốn sống chậm lại, đắm mình dưới những hàng xe xanh mát quyện trong mùi thơm rất đặc trưng của sách.
Ông Huỳnh Vĩnh Bảo-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thăm quan, trò chuyện cùng nhân viên nhà sách. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sự ra đời và hoạt động của đường sách TP.HCM là điểm sáng cho sự phát triển văn hoá đọc, là mô hình văn hoá đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách có hiệu quả, theo đúng tôn chỉ. “Các hoạt động, sự kiện tổ chức tại đường sách TP.HCM đã góp phần lan toả tinh thần, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhân dân và góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, giáo dục, du lịch trên địa bàn thành phố”, ông Đức nói.
Đường sách TP.HCM thu hút hơn 11,5 triệu người đến 5 năm qua với sự chung tay của xã hội, đường sách TP.HCM đã tổ chức hơn 1000 hoạt động, sự kiện nổi bật cùng với hơn 300 đơn vị, thu hút hơn 11,5 triệu du khách trong và ngoài nước.
Đường sách TP.HCM không chỉ là không gian văn hoá đọc thuần tuý, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc từ dân gian đến đương đại thông qua ngôn ngữ các loại hình sân khấu, hội hoạ, âm nhạc…phục vụ nhu cầu tinh thần của bạn đọc (Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty đường sách TP.HCM) |