Gần Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình ) tất bật với công việc "hóa thân" cho cây phát lộc - loại cây trang trí ngày Tết mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Còn hơn một tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng với người dân xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình) - vùng đất nổi tiếng với sản phẩm từ cây phát lộc - không khí Tết đang đến rất gần. Ảnh Mai Dung Chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi, Minh Tân, Đông Hưng) cho biết, nghề làm sản phẩm từ cây phát lộc có từ khoảng 20 năm nay, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Người dân làm và kinh doanh các sản phẩm từ cây phát lộc quanh năm, tuy nhiên dịp Tết là dịp "bội thu" nhất , làm đến đâu, bán hết đến đó. Ảnh Mai Dung Giới thiệu sản phẩm thân cây phát lộc kết hình thuyền buồm với ý nghĩa "Thuận buồm, xuôi gió", chị Quyên cho biết, cây phát lộc là loại cây dễ trồng, dễ sống, cắm vào nước cũng có thể xanh tươi, sinh sôi nảy lộc. Nhiều người quan niệm bày cây phát lộc trong nhà ngày Tết mang lại may mắn, giúp gia chủ phát lộc, phát tài. Bởi vậy, càng những năm trở lại đây, các sản phẩm từ cây phát lộc càng được ưa chuộng. Người dân Đình Phùng không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Ảnh Mai Dung Ngoài sản phẩm "Thuận buồm xuôi gió" được nhiều người ưa chuộng, các sản phẩm "Hồ lô phát lộc", "Lục bình phát lộc" được khách hàng từ khắp nơi đặt mua. Ông Nguyễn Đăng Nghị, 61 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng từ cây phát lộc trên Quốc lộ 39 cho biết - mỗi ngày gia đình ông bán từ 400-500 sản phẩm cây phát lộc uốn hình lục bình, hồ lô, nậm rượu với các kích cỡ khác nhau, giá dao động 100.000-300.000 đồng/sản phẩm. Ảnh Mai Dung Cũng theo ông Nghị, khách hàng đặt mua không chỉ quanh khu vực tỉnh Thái Bình mà còn từ các tỉnh Sơn La, Hòa Bình cho đến Nghệ An, Thanh Hóa. Mỗi ngày, vợ chồng ông Nghị phải thức khuya, dậy sớm làm hàng mới đủ để chuyển đến tay lái buôn. "Nhiều khách từ xa gọi điện nhờ chuyển xe khách nhưng chúng tôi cũng phải từ chối vì không có thời gian chuyển cho khách - ông Nghị cho biết. Sản phẩm từ cây phát lộc đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỹ càng của người thợ. Bà Huệ (vợ ông Nghị) chia sẻ, mỗi ngày, bà Huệ làm được từ 10-15 sản phẩm, làm đến đâu, bán hết đến đấy. Mặc dù vậy, gia đình bà vẫn đặt chữ "tín" lên hàng đầu, lựa chọn cây phát lộc đều, đẹp để uốn nắn, cho ra đời sản phẩm chất lượng, phù hợp trưng bày ngày Tết. Ảnh Mai Dung Một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất trưng bày ngày Tết là tháp phát lộc. Tháp phát lộc được làm từ thân cây phát lộc, xếp theo hình tháp với số lượng tháp là số lẻ, mang lại may mắn trong năm mới. Để cho ra đời tháp phát lộc đều, đẹp, người dân lựa chọn cây phát lộc thẳng, đều, cắt từng đoạn đều nhau rồi xếp quanh khuôn theo hình tháp. Đầu thân cây được đắp ximăng trắng để giữ độ ẩm, giúp cây nảy lộc từ thân cây. Ảnh Mai Dung Mỗi sản phẩm tháp phát lộc có giá thấp nhất 50.000 đồng (tháp 3 tầng), cao nhất là hơn 2 triệu đồng với tháp 15 tầng. "Làm cây phát lộc tuy vất vả sớm hôm, song mang lại thu nhập lớn. Mỗi ngày, gia đình thu được hàng chục triệu đồng nhờ bán cây phát lộc. Dự kiến, gia đình tôi làm đến hết tháng 11 âm lịch là hết hàng từ cây phát lộc, sang tháng Chạp chuyển sang bày bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết như đào, quất, hải đường, mẫu đơn" - bà Huệ cho biết. Ảnh Mai Dung Theo chị Mai - khách hàng từ Đông Anh (Hà Nội) cho biết, cây phát lộc có bán ở nhiều nơi, song giá cả và mẫu mã ở Minh Tân là đa dạng, phong phú hơn cả. Bởi vậy dịp gần Tết, gia đình chị tìm về đây mua cây phát lộc biếu người thân, bạn bè chơi dịp Tết. Năm nay, sức tiêu thụ phát lộc cao hơn năm ngoái, người trồng và kinh doanh cây phát lộc phấn khởi mùa bội thu, hứa hẹn một cái Tết đủ đầy. Ảnh Mai Dung
Xem thêm: odl.070968-tet-uv-nab-col-tahp-yac-ohn-iat-tahp-hnib-iaht-nad-gnon/et-hnik/nv.gnodoal