Ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chưa bị ứng dụng này xóa - Ảnh: AFP
Dù Tổng thống Mỹ tức giận vì bị Twitter chặn vào tối ngày 8-1, một số trợ lý đã khuyên ông nắm bắt chính lệnh cấm này, xem đó như cơ hội để khơi dậy cuộc tranh luận về tình trạng các mạng xã hội có thành kiến chống phe bảo thủ, CNN viết.
CNN, bản thân cũng là một đài chống Trump quyết liệt, dẫn lời một vị cố vấn của ông Trump nói: "Chuyện này không chỉ vì Tổng thống Trump, mà thực sự là vì 75 triệu người dân Mỹ".
Tổng thống Trump cùng những người ủng hộ ông từ lâu đã cáo buộc các hãng mạng xã hội có thành kiến đối với phía cánh hữu, và nhiều lần cáo buộc các trang mạng xã hội bí mật "cấm" các nhân vật quan trọng trong Đảng Cộng hòa.
Hành động của Twitter có thể khiến những người ghét ông cảm thấy hả hê, cho rằng "công lý đã được thực thi".
Những người theo quan điểm này cảm thấy ông Trump đáng bị đối xử như vậy vì đã lên Twitter "kích động người biểu tình" trong vụ một nhóm quá khích xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản bác hành động của Twitter, cho rằng đó là biểu hiện vi phạm tự do ngôn luận.
Một số nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng sau khi Twitter cấm tài khoản của ông Trump, xóa hết bài đăng cũ và đình chỉ các tài khoản liên quan tới nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của ông.
Steve Daines, một thượng nghị sĩ từ Montana, dùng chính nền tảng Twitter để khẳng định rằng việc "các đại gia công nghệ đang kiểm duyệt ông Trump và tự do ngôn luận của người dân Mỹ" cũng tương tự những gì xảy ra ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Con trai của ông Trump, Donald Trump Jr, tương tự cho rằng "tự do ngôn luận đã chết và bị kiểm soát bởi những lãnh chúa cánh tả".
Dù vậy, có vẻ câu chuyện về tự do ngôn luận xung quanh Twitter cũng ít khả năng sẽ được bàn nhiều trong những ngày tới.
Báo chí như CNN ngày 10-1 đã tranh thủ "rào trước" rằng phía ông Trump đang muốn lấy vụ Twitter để hướng dư luận ra khỏi vụ xâm nhập chết người ở Đồi Capitol.