Khi khai tử cho người chết đã lâu thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh...
Cha tôi mất ba năm trước. Khi cha mất, chúng tôi có giấy báo tử của bệnh viện. Anh em tôi nghĩ chỉ cần giấy báo tử nên không đăng ký khai tử cho cha. Nay tôi thay đổi tên chủ hộ trên hộ khẩu do cha đứng tên sang tên tôi. Tuy nhiên, do chưa đăng ký khai tử cho cha nên thủ tục thay đổi chủ hộ gặp khó khăn.
Vậy xin hỏi, cha tôi mất đã lâu thì có thể khai tử được hay không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
Bạn đọc Nguyễn Văn Toàn (Bình Chánh, TP.HCM)
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: N.HIỀN
Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 13 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp (có hiệu lực từ 16-7-2020) quy định trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 34 Luật Hộ tịch 2014, người đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử để thực hiện thủ tục đăng ký khai tử.
Thủ tục đăng ký khai tử được thực hiện tại UBND xã/phường nơi cư trú cuối cùng của người mất.
Theo quy định trên, dù cha anh Toàn mất đã lâu nhưng anh và gia đình vẫn có thể đăng ký khai tử cho cha anh. Tuy nhiên, anh Toàn phải nộp các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp để xác nhận việc mất của cha mình. Hiện tại, nếu gia đình anh Toàn vẫn còn giữ giấy báo tử của người cha thì được sử dụng giấy báo tử này để đăng ký khai tử.