Với giới kiến trúc, ông Nguyễn Thu Phong, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà Vui vốn là một gương mặt thân thuộc. Ông chính là đội trưởng SV 96 năm nào, Thủ khoa Trường đại học Kiến trúc TP HCM khóa 1992-1997 và nhiều năm giữ các vị trí điều hành trong những tổ chức hội kiến trúc, đoàn thể và doanh nghiệp.
Nhưng ít ai biết rằng, sau những thành công về chuyên môn, cũng như tiếng tăm một thời của "đứa con" Nhà Vui, ông Phong đã từng nếm không ít "vị đắng". Vài năm gần đây, ông gần như "ẩn cư", ít xuất hiện trên truyền thông và thương trường.
Trong một chia sẻ hiếm hoi cuối năm ngoái nhân dịp Nhà Vui tròn 20 tuổi, ông Phong mới cởi mở hơn và có những bộc bạch về hai thập niên thăng trầm của mình.
Ông cho biết, như bao người trẻ khác thường có mộng lớn khi khởi nghiệp, bản thân đã đặt mục tiêu có hệ thống trải khắp 63 tỉnh thành, là thương hiệu dịch vụ phổ thông về xây dựng, làm đẹp nhà ở. Thời đỉnh điểm, ông đạt được 1/3 giấc mơ, với 23 chi nhánh. Và có lúc tốc độ tăng trưởng của công ty trên 50% mỗi năm.
Nhưng sau đó, công ty thất bại vì các sai lầm về mô hình quản trị, kiểm soát chất lượng, nguồn lực vốn và thời điểm vàng đã qua.
Một trong những thất bại "nhớ đời" của ông là vào năm 2004, khi Nhà Vui thử nghiệm bước vào lĩnh vực phát triển bất động sản, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển, một tầm nhìn còn rất sớm bấy giờ.
Đến 2010, công ty có trong tay nhiều dự án trên cả nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã khiến các đối tác Đan Mạch phá sản tại châu Âu, làm đổ vỡ hệ thống với liên doanh của Nhà Vui. Cùng lúc, hệ thống Nhà Vui Center - trung tâm thiết kế xây dựng, ngành chính của công ty, gặp khủng hoảng nội bộ do thất thoát lũng đoạn.
"Chúng tôi đổ vỡ hệ thống năm 2011 và phải quyết định quay về ngành kinh doanh chính là dịch vụ kiến trúc xây dựng nhà ở", ông Phong nói và cho biết những khách hàng tin yêu từ ngày đầu là cứu tinh giúp ông gượng dậy.
"Những năm sau, tôi phải điều chỉnh giấc mơ của mình, khiêm tốn và hiện thực hơn. Tôi khá buồn khi không tận dụng được những lợi thế từng có", ông tâm sự. Tên tuổi Nhà Vui dần trầm lắng, khi chứng kiến hàng loạt gương mặt mới trong ngành kiến trúc nổi lên, đón đầu cơn sóng bùng nổ của bất động sản.
Lúc đó, ông đưa ra quyết tâm khôi phục thời "vàng son" của chính mình. Ông ngồi lại cùng đội ngũ thiết kế, rà soát mọi tình hình, lắng nghe các phản ánh từ khách hàng, đi thực tế từng công trình để phân tích và cùng sửa bài thiết kế với các cộng sự phòng ban.
"Khi đó, tôi phát hiện ra nhiều căn bệnh mãn tính như một khối u không dễ loại bỏ. Mọi ý tưởng cải tiến của tôi dường như không lay động được sức ì quá lớn của bộ máy. Sự tự mãn thành công những năm trước là lực cản ghê gớm cho công cuộc đổi mới", ông nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông thảo luận điểm mạnh - yếu của công ty để chọn phân khúc khách hàng và thị trường trọng tâm cần giữ, đồng thời loại bỏ các thị trường không phù hợp. Công ty bắt đầu đa dạng hóa thiết kế, không chỉ bó mình trong nhà ở mà còn làm các công trình công cộng, cao tầng hay quy hoạch rất khác.
"Nếu không quyết tâm đổi mới nguồn lực, trau dồi kiến thức và kỹ năng sáng tạo thì không thể cải tổ được. May mắn giai đoạn 3 năm 2017 - 2020 là thời gian bản lề chuyển đổi đầy thử thách nhưng đã đúng hướng và gặt hái những quả ngọt đầu tiên", ông nói.
Tuy nhiên, năm ngoái, khi công cuộc chuyển mình đang diễn ra, Covid-19 đã ập đến. Ông Phong thừa nhận bản thân và công ty bị lúng túng vì dịch. Giai đoạn tháng 3-4, khi thực hiện giãn cách xã hội, các dự án cũ vẫn tiếp diễn, đội ngũ nhân viên chủ động làm việc từ xa linh hoạt, vẫn tăng ca để đáp ứng tiến độ.
Nhưng đến tháng 5-6, nhu cầu xây dựng nhà ở mới và trang trí nội thất của người dân giảm rõ rệt. Sau đó, tình hình cạnh tranh về giá thiết kế, thi công diễn ra khốc liệt khiến công ty gặp khó. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Vui nói rằng, công ty một lần nữa vượt qua được nhờ các khách hàng truyền thống "chống lưng" và tín nhiệm của các chủ dự án bất động sản lớn.
Nhìn lại năm đại dịch, ông Phong cho biết đã đúc kết được cho mình sự linh hoạt trong tổ chức công việc; đoàn kết và đối thoại nội bộ, khách hàng để tìm hướng khắc phục khó khăn. Ngoài ra, công ty ông chuyển đổi các cấu trúc sản phẩm phù hợp và điều chỉnh kế hoạch chi phí tiết kiệm nhất.
Sống sót qua năm Covid-19 ngay khi vừa vực dậy không lâu, Nhà Vui đón sinh nhật 20 của mình trong tâm thế "biết người, biết ta". Ông Phong nói rằng, trong 10 năm đầu, giai đoạn 2000-2010, Nhà Vui "thật sự là công ty kiến trúc nhà ở lớn tại Việt Nam" với độ phủ về lượng chi nhánh, công trình và nhân sự...
Nay Nhà Vui không còn vị thế đó, nhưng vẫn tin rằng mình là công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt trong các công trình đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh. Vốn kinh nghiệm của công ty này đến nay hơn 7.000 công trình thuộc đủ thể loại và trải dài khắp đất nước.
Ông chủ Nhà Vui cũng cho biết, hiện 40% đội ngũ thiết kế của công ty là 9X, đang được hướng dẫn bởi thế hệ cấp quản lý có trên 10 năm tuổi nghề.
"Lúc đầu khoảng cách chuyển tiếp tuổi hơi xa", ông thừa nhận điều đó dễ dẫn đến nguy cơ đứt quãng kinh nghiệm. Nhưng sau khi có những thay đổi quyết liệt về chính sách nhân sự, công ty chấm dứt được tình trạng chảy máu chất xám, tái tạo văn hóa doanh nghiệp theo kiểu "đàn sói", tức truyền nghề - truyền lửa để dung hòa cả kinh nghiệm và sức trẻ mới.
"Bản thân tôi cùng các em bung hết sức, thức xuyên nhiều đêm trong cuộc thi kiến trúc chợ Cồn - Đà Nẵng và đạt đồng giải Nhì (không có giải Nhất )", ông Phong khoe một thành tích gần đây của công ty.
Nói về triển vọng của ngành, ông cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2021-2025, nhu cầu phát triển đô thị và bất động sản tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng phát triển bền vững, với những sản phẩm đầu tư chiều sâu thiết kế xây dựng sẽ càng đòi hỏi hơn.
"Tôi mong những cơn sốt ảo bất động sản sẽ không tác động méo mó vào khuynh hướng đầu tư dài hạn, và thị trường thật thì luôn cần có chỗ đứng cho những doanh nghiệp kiến trúc, xây dựng, nội thất uy tín", ông nói.
Kết thúc câu chuyện bằng chia sẻ về bản thân, ông Phong tự nhận mình vẫn còn tươi trẻ và đầy đam mê trong việc trực tiếp sáng tác. Với ông, nhiều năm làm quản lý chưa lấy đi niềm cảm hứng chuyên môn.
Ông cũng cho rằng trong nghề kiến trúc, các kiến trúc sư quốc tế đều thành danh sau 40 tuổi. Vì vậy, vừa hết tuổi kiến trúc sư trẻ, ông quay về nghề vừa đẹp vừa hạnh phúc khi thấy các tác phẩm của mình được khách hàng đón nhận. "Tôi trân trọng những điều này và đi chậm, song hành cùng thế hệ nhân sự kế tiếp bằng niềm vui 'sứ mệnh truyền nghề"', ông nói.
Viễn Thông