Những ngày này, các làng nghề sản xuất bánh kẹo ở xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang hối hả vào vụ Tết Nguyên đán 2021. Sản phẩm mang những hương vị ngọt ngào đặc sản riêng có của địa phương.
Nghề sản xuất bánh kẹo phát triển đã giúp người dân xã Diễn Vạn có thu nhập ổn định, làng quê trù phú
Bước tới đầu làng bánh kẹo Xuân Bắc, Đồng Hà (xã Diễn Vạn), lập tức ta được hòa vào hương thơm của lạc, đường, mạch nha ngọt lịm.
Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề làm bánh kẹo phát triển đem lại thu nhập chính, làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Bánh kẹo nơi đây mang hương vị thơm ngon, được người dùng ưa chuộng.
Những năm trước, nghề làm bánh kẹo truyền thống của làng hoàn toàn bằng thủ công. Hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn nhào nha, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc ghi nhãn mác sản phẩm, thời hạn sử dụng, ghi rõ địa chỉ cũng được các cơ sở sản xuất bánh kẹo trong làng quan tâm nhằm thể hiện trách nhiệm của mình với người tiêu dùng.
Có hơn 20 năm làm bánh kẹo cu đơ, gia đình ông Nguyễn Văn Hoa (trú ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn) những ngày này rất tất bật. Hàng chục người hối hả làm việc để kịp thời đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết.
Theo ông Hoa, từ đầu tháng 11/2020, gia đình ông đã phải thuê thêm 5 công nhân làm hàng cung cấp cho thị trường Tết Tân Sửu 2021. Ngày nào 2 bếp cũng đỏ lửa đến 8h tối để đủ hàng giao cho khách.
Để sản phẩm làm ra ngon, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì khâu chọn nguyên liệu luôn được ông chú trọng. Lạc mua về được loại bỏ những hạt không đảm bảo chất lượng rồi mới rang. Lạc sau khi rang được tách vỏ lụa và được lựa chọn thật kỹ một lần nữa nhằm bỏ những hạt lép, hỏng, không đảm bảo. Cẩn thận như vậy kẹo mới đạt được độ thơm, ngon.
Hiện nay làng nghề Đồng Hà và Xuân Bắc có hơn 220 hộ với 600 lao động tham gia làm nghề. Nếu như thu nhập ngày thường của mỗi lao động khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì dịp Tết tăng lên khoảng 5-6 triệu đồng. Để cung ứng kịp hàng cho khách, thời điểm này, làng bánh kẹo đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.
Bà con làng nghề bánh kẹo Đồng Hà tất bật vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.
Ông Nguyễn Đình Chung (người dân làng nghề Đồng Hà, xã Diễn Vạn) chia sẻ: Tất cả những nguyên liệu "đầu vào" như lạc, vừng, mạch nha, đường... phải là loại ngon, đảm bảo độ giòn, thơm, béo. Để có được miếng kẹo cu đơ thơm ngon thì người làm nghề phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt.
Yếu tố quyết định hình thức cũng như chất lượng của kẹo chính là công đoạn đứng bếp khuấy nha và đường, chỉ cần quá lửa một chút là kẹo sẽ bị đắng, màu chuyển sang đen, ăn không thơm ngon nữa.
Vì thế, thợ đứng bếp bao giờ cũng phải có kinh nghiệm cao trong nghề. Ngoài ra, thợ lăn cắt kẹo cũng rất quan trọng, nếu không nhanh tay lăn kẹo để kẹo cứng thì mẻ kẹo đó coi như không thành công, sau đó mới đến người đóng gói.
Bánh kẹo tại các cơ sở sản xuất Diễn Vạn có hương vị ngon, đặc trưng riêng và giá cả hợp túi tiền.
Cùng với việc dùng bằng máy móc thay phương pháp thủ công truyền thống như trộn nguyên liệu, máy cắt, hàn túi khi đóng gói, các cơ sở sản xuất cũng đã chú trọng hơn đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung bình 3 ngày bà con làng nghề Diễn Vạn xuất 1 xe hàng khoảng 3 tấn kẹo, chủ yếu xuất bán đi thị trường các tỉnh phía Bắc.
Đường sá rộng đẹp, nhiều nhà cao tầng khang trang, hiện đại ở làng nghề bánh kẹo Đồng Hà.
Ông Hoàng Thiên Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu) cho biết: Năm 2009, xóm Đồng Hà và Xuân Bắc đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo. Ngoài tạo việc làm cho những người trong gia đình, làng nghề phát triển còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở trong toàn xã...
“Trong năm 2020, nhiều hộ đạt doanh thu khoảng 300 - 500 triệu đồng, thống kê chung doanh thu các làng nghề Đồng Hà và Xuân Bắc đạt 9-10 tỷ đồng, còn năm 2021 dự kiến đạt 12-13 tỷ.
Trước mắt, xã tiếp tục phát huy vai trò các tổ, hội sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề; tiếp tục hướng dẫn cho bà con sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, hỗ trợ các chương trình vay vốn để các hộ mở thêm các cơ sở; đồng thời đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nhân rộng ra để bánh, kẹo của bà con có thương hiệu”, ông Long cho biết thêm.