Nếu có kế hoạch chi tiêu hợp lý, nữ công nhân sẽ bớt cảnh thiếu trước hụt sau. Trong ảnh: công nhân Khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dự án không chỉ trao "bí kíp" qua một buổi trò chuyện mà còn đồng hành cùng các bạn nữ công nhân trong thời gian khoảng 6 tháng. "Tham gia dự án, mình thấy nhiều bài học. Nhất là về việc tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả để hoạch định được tương lai" - bạn Nguyễn Kim Chi, làm việc tại KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, chia sẻ.
Cám cảnh "thiếu trước hụt sau"
Ghé vào quầy bán rau trong khu chợ phục vụ công nhân gần KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Tiền Giang (công nhân may) chọn mớ rau muống, ít miếng đậu hũ để về lo bữa cơm chiều. "Ở nhà còn ít thịt kho dành cho con, mua thêm đậu hũ để vợ chồng ăn cho qua bữa. Còn cả tuần nữa mới lĩnh lương nhưng túi đã cạn rồi" - chị Giang nói như tâm sự với cô bán hàng.
Khi được hỏi về cách chi tiêu của gia đình, chị Giang cho hay lương hai vợ chồng hơn 12 triệu đồng, trừ tiền phòng trọ, điện nước và học phí của cậu con trai đang học lớp 3, còn lại gần 7 triệu để chi tiêu.
Chị Giang cho biết: "Tôi không chia cụ thể ra từng món tiền phải chi trong tháng nên có tháng dư ra 1-2 triệu nhưng có tháng lại hụt không còn đồng nào. Lỡ tháng nào đi đám cưới, thôi nôi hay trong nhà có người đau ốm thì coi như thâm hụt. Nhà không bao giờ thấy dư mà chỉ lo thiếu trước hụt sau".
Tại bữa trưa triển khai dự án hỗ trợ quản lý tài chính, cùng hơn 20 nữ lao động đang làm việc tại các KCN ở Bình Dương, chị Tạ Thị Minh Nguyệt cười cho biết: "Thú thật là lương vào túi mình chẳng ở được bao lâu. Cứ gần cuối tháng là ngóng lương như nắng hạn chờ trời mưa. Đa số công nhân chúng tôi đều rất dễ rơi vào tình huống thiếu trước hụt sau vì ít ai quản lý chi tiêu một cách hợp lý. Nhiều khi thích là mua mà không tính toán gì".
Bài toán thu - chi cho mỗi người
Chị Chung Vũ Thanh Uyên (còn được gọi là Mina Chung) - giữ vai trò đại sứ của The New Savvy - chia sẻ: "Tôi hi vọng có thể mang đến cho phụ nữ Việt thêm những kiến thức và kinh nghiệm giúp họ tìm giải pháp tốt nhất để quản trị tài chính và quản trị bản thân, sống có ích, độc lập và tự tin hơn".
Theo chị Uyên, có một thực tế là nhiều phụ nữ Việt Nam không có ước mơ hay không dám ước mơ, sống vô định, mặc cuộc đời mình cho số phận đưa đẩy, rồi lại mặc số phận mình cho người khác định đoạt.
Ngay trong lần đầu triển khai dự án đến với lao động nữ, chị Uyên đã hướng dẫn nhanh về phương pháp lập kế hoạch tài chính. Chỉ là cuốn sổ tay nhỏ phát đến mọi người, trong đó có in đầy đủ những "bí quyết" để giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả.
"Điều tôi bất ngờ nhất là việc mình phải bỏ ra số tiền tiết kiệm chính là ngay sau khi nhận lương, chứ không phải đợi tiêu xài cho đến cuối tháng, còn bao nhiêu mới tiết kiệm như vốn nghĩ từ trước đến giờ" - chị Kim Chi cho hay ngay sau khi nghe về giải pháp này từ dự án.
Dự án đưa ra nguyên tắc phân chia thu nhập chính là 100% lương - 20% tiết kiệm = 80% chi tiêu. Và trong số tiền của 80% lương đó cần chia cụ thể ra khi chi tiêu: 50% nhu cầu thiếu yếu (ăn uống, điện nước, thuê nhà, bảo hiểm y tế, xe cộ, chi phí lặt vặt hằng ngày, 30% nhu cầu không thiết yếu (ăn ngoài, du lịch, về quê, giáo dục, gửi con).
"Điều quan trọng nhất vẫn là tiết kiệm trước khi chi tiêu. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng mình đã lãng phí bao nhiêu tiền khi chi tiêu cho những thứ mình không cần thiết. Theo dõi các khoản chi tiêu sẽ giúp bạn tìm ra gốc rễ của các vấn đề trong chi tiêu" - chị Uyên cho biết.
Sau đó, dự án đã hỗ trợ một số chị em theo phương thức huấn luyện chuyên sâu với các chuyên gia đồng hành từng trường hợp cụ thể. Mỗi tháng họ sẽ gặp nhau một lần để chia sẻ và đánh giá mức độ thực hiện ra sao.
Chị Ma Thị Bến, người tham gia giai đoạn chuyên sâu, chia sẻ: "Khi đi cụ thể vào việc chi tiêu mình mới thấy rõ hiệu quả của việc lập ra cuốn sổ ghi chép chi tiêu rõ ràng. Quan trọng là mình phải thực hành một cách nghiêm khắc. Không nên thấy thích gì là mua ngay, nhất là phụ nữ hay bị kích thích khi xem mua hàng giảm giá online. Nhiều khi mua về mà chưa cần đến, hay tham rẻ mua nhiều rồi hư hỏng phải vứt đi".
Theo chị Bến, từ ngày tham gia dự án chị đã biết cách cắt giảm chi tiêu những thứ không cần thiết. "Thay vì dẫn con đi siêu thị chơi vào mỗi cuối tuần để mua sắm, ăn uống, tôi đã chọn cách cả nhà đi chơi công viên và mang theo thức ăn. Các con tôi được chạy nhảy khỏe người mà chi phí ít hơn mọi khi" - chị Bến cho hay.
Dự án cũng hướng dẫn nữ công nhân biết cách sử dụng hiệu quả số tiền tiết kiệm như mua bảo hiểm, trả góp căn hộ, lập quỹ dự phòng rủi ro…
"Tôi lập hai sổ tiết kiệm cho hai đứa con, tất cả tiền lì xì hay ai cho cháu tôi đều gửi vào ngân hàng. Nhờ vậy mà đợt rồi chồng tôi mổ tim mới có ngay gần 100 triệu từ hai sổ tiết kiệm của con mà xử lý. Không phải nợ nần ai" - chị Thanh Bình, một công nhân, chia sẻ.
"Quan trọng nhất là bạn phải có tính kỷ luật, thực hiện một cách nghiêm khắc thì bài toán tài chính của bạn mới thật sự ổn. Ban đầu các bạn có thể chưa quen nhưng sau một thời gian chính các bạn sẽ thấy được hiệu quả của việc hoạch định rõ ràng việc thu - chi để thực hành tiết kiệm hiệu quả. Từ cách tiết kiệm, các bạn sẽ có thể thực hiện được những mục tiêu lớn hơn như mua nhà…".
Anh Võ Khắc Trung (chuyên gia về tài chính hỗ trợ dự án)
TTO - Một suy nghĩ phổ biến của không ít thanh niên Việt là người dân ở các nước giàu, thu nhập cao sẽ dùng tiền rất thoải mái.