Nhiều dự án điện mặt trời phục vụ trồng nấm nhưng thực tế không hề... trồng nấm, chỉ để bán điện - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 11-1, ông Trương Công Hồng - phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết đã có báo cáo tổng hợp về đợt kiểm tra đột xuất một số công trình điện năng lượng mặt trời áp mái tại địa phương này.
Qua kiểm tra, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục làm trang trại, chưa triển khai trồng trọt chăn nuôi theo phương án được phê duyệt nhưng vẫn được Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) cho đấu điện lên lưới.
Ngoài ra, nhiều công trình điện năng lượng mặt trời áp mái không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn; không đúng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được duyệt, làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, an toàn công trình...
Việc các dự án ‘nấm năng lượng’, ‘heo năng lương’ nở rộ là vì thủ tục triển khai các dự án khá thông thoáng - chủ yếu chủ đầu tư và ngành điện tự thực hiện, triển khai trong thời gian ngắn nên việc theo dõi gặp khó khăn.
Ngoài ra, công tác quản lý, cấp phép trang trại ở một số nơi chưa đúng trình tự quy định, thậm chí có chủ đầu tư khi triển khai xây dựng trang trại nhưng địa phương không biết...
Không những vậy, nhiều trang trại chưa hoàn thiện các hạng mục về sản xuất trang trại, chưa đánh giá hiệu quả kinh tế trang trại... nhưng đã lắp đặt pin và bán điện năng lượng mặt trời áp mái, thu lợi nhuận từ đây...
Nhiều dự án 'vẽ' trên đất nông nghiệp để hưởng ưu đãi - Ảnh: TRUNG TÂN
Trao đổi thêm về việc này, ông Trương Công Hồng cho rằng do thời gian qua, việc phát triển ‘nóng’ điện năng lượng mặt trời áp mái ở các trang trại đã thu hút khoảng 10.000 tỉ đồng đầu tư, doanh thu khoảng 2.000 tỉ đồng/năm, tổng số thuế thu về cho ngân sách khoảng 200 tỉ đồng...
Tuy nhiên, do phát triển nhanh, khi các hướng dẫn chưa cụ thể nên có nhiều bất cập và tỉnh đang tiếp tục kiểm tra, xử lý.
"Tuy nhiên, các dự án đã đầu tư hàng chục tỉ đồng/dự án, đã có hợp đồng bán điện thì nếu có sai cũng khó loại họ ra mà phải hướng dẫn làm đúng quy định. Theo đó, tới đây ngành chức năng tiếp tục rà soát tất cả các dự án để họ yên tâm làm thêm trong 20 năm nữa", ông Hồng nói.
Theo Sở Công thương, đến 31-12-2020, Đắk Lắk có 5.723 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, tổng công suất dự kiến hơn 626MWP. Trong số này có 327 trang trại lắp điện năng lượng mặt trời áp mái, tổng công suất 327 MWp (chiếm hơn 52% công suất điện năng lượng mặt trời áp mái toàn Đắk Lắk).
Tuy nhiên, đến nay mới có 182/327 trang trại (tổng công suất hơn 181MWP) được đấu lưới. Đến nay còn 946 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái được PC Đắk Lắk có thỏa thuận đấu nối (tổng công suất dự kiến hơn 236MWp), trong đó có 145 trang trại (công suất gần 144MWp, chiếm hơn 61%).
TTO - Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhằm tạo thêm nguồn điện tự dùng và phát lên lưới đang phải chịu thiệt hại hàng tỉ đồng do thiếu văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương.
Xem thêm: mth.95313835111101202-yl-ux-ed-gnoul-gnan-oeh-gnoul-gnan-man-na-ud-cac-art-meik-cut-peit/nv.ertiout