Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) vừa phê duyệt phương án sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Doanh nghiệp lên kế hoạch thoái sạch vốn tại 8 đơn vị liên quan.
Lột xác
Theo phương án tái cơ cấu, POW sẽ chỉ còn 4 đơn vị do POW nắm giữ tối thiểu 51% vốn điều lệ tại 4 đơn vị gồm Thủy điện Hủa Na (UPCOM: HNA), Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (HNX: PPS) và Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí.
PV Power hiện đang nắm giữ từ 51% - 80,72% vốn điều lệ tại 4 đơn vị này.
Một số đơn vị có thể thành lập mới theo nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với đơn vị liên kết là Công ty TNHH Luang Prabang sẽ thực hiện cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ/cơ quan có thẩm quyền về dự án thủy điện Luang Prabang.
Đặc biệt, POW dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn (nếu chưa hoàn thành thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020) đối với 8 đơn vị.
Cụ thể: Công ty Cổ phần Máy – Thiết bị Dầu khí là công ty con do POW nắm giữ 51,58% vốn; Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Chiến và Công ty Cổ phần Năng lượng Sông Hồng là công ty liên kết do POW nắm giữ lần lượt 30,72% và 44,07% vốn. Ở các đơn vị còn lại, POW chỉ nắm giữ nhiều nhất là 10% vốn.
Tại Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh, POW sẽ giảm sở hữu xuống dưới 65% vốn điều lệ hoặc thoái toàn bộ vốn.
Cùng với đó, POW cũng sẽ thực hiện các thủ tục có liên quan đối với việc chấm dứt hợp đồng của Công ty Cổ phần Thủy điện Sơn Trà – Sông Đà và Công ty Cổ phần Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương.
Cổ phiếu tăng gần 30% sau tin đồn thoái vốn
Kể từ đầu tháng 12.2020 đến nay, giá cổ phiếu POW đã tăng khoảng 30% từ vùng giá 10.100 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu do có tin đồn thoái vốn tại công ty con PVMachino (PVM) sau khi một cổ đông khác của PVM thoái thành công 17,1% cổ phần trong tháng 11.
POW hiện nắm giữ 19,9 triệu cổ phiếu của PVM với tổng giá trị là 189 tỉ đồng. Hiện chưa có thông tin chính thức về tiến độ thoái vốn tại PVMachino.
Cho năm 2021, VNDirect duy trì đánh giá khả quan với cổ phiếu POW, giá mục tiêu tăng lên 13.300 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, động lực tăng giá là sản lượng và giá bán bình quân hồi phục trong 2021. Rủi ro giảm giá là các vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán lại hợp đồng mua bán điện với EVN và mức trích lập dự phòng cao hơn kỳ vọng cho các khoản phải thu của EVN.
VNDirect dự đoán sản lượng điện của POW tăng 10,8% so với cùng kỳ trong 2021 nhờ nhu cầu điện phục hồi hậu COVID-19. Sản lượng thủy điện kỳ vọng tăng mạnh (+27,4% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng huy động nhiệt điện từ EVN sẽ giảm do nguồn thủy điện giá rẻ được ưu tiên. ASP dự báo tăng 4,7% so với cùng kỳ do giá nhiên liệu đầu vào khí và than tăng (phần tăng sẽ được chuyển qua giá bán với phần sản lượng theo hợp đồng PPA) và giá CGM tăng nhẹ (+3- 5% so với cùng kỳ).
Theo đó, lợi nhuận ròng của POW sẽ tăng 16,4% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Xem thêm: odl.849968-neiv-hnaht-yt-gnoc-8-iat-nov-hcas-iaoht-es-rewop-vp/et-hnik/nv.gnodoal