Câu chuyện chuyển đổi số ở ngành ngân hàng trước khi Covid-19 xảy ra giống như một khái niệm gì đó xa xa, một trào lưu thường xảy ra ở các ngân hàng lớn.
Nhưng với Covid-19, câu chuyện chuyển đổi số đã chuyển từ suy nghĩ "làm như thế nào, chi phí để thay đổi là bao nhiêu", sang lối tư duy "tồn tại hay không tồn tại, và nếu không thay đổi thì phí tổn sẽ là bao nhiêu", ông Tống Văn Tiến, Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), chia sẻ tại sự kiện "Better For Business" do Microsoft Việt Nam tổ chức mới đây.
Chuyện của TPBank: Đầu tư 75 trợ lý robot ảo, hiệu quả đem về gấp đôi giá trị đầu tư, tiết kiệm 45 nhân sự
"Cách đây vài năm, chủ yếu các ngân hàng tập trung vào chuyển đổi kênh, xây dựng ngân hàng điện tử, một vài số hóa "không giấy tờ", những thứ đâu đó chỉ mang tính đơn giản, tác dụng chưa nhiều ấn tượng, chưa có các trải nghiệm mới", ông Tiến chia sẻ.
Nhưng khi Covid-19 xảy ra, "nỗi đau" sát sườn của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp là doanh thu giảm, buộc phải cắt giảm chi phí. Và chuyển đổi số là một trong những công cụ tuyệt vời để cắt giảm chi phí.
Lấy ví dụ chính câu chuyện của TPBank, ông Tiến cho biết ngân hàng này áp dụng rất nhiều công nghệ mới.
Với một mức đầu tư không lớn, TPBank đạt được kết quả thành công gấp 2 lần so với giá trị đầu tư, tiết kiệm được 45 nhân sự
Trong năm 2020, TPBank đã rất thành công trong câu chuyện ứng dụng robotics. Tính đến hiện nay, ông Tiến cho biết ngân hàng này đã triển khai 75 trợ lý robot ảo, gọi là akaBot (các giải pháp tự động hóa).
"Với một mức đầu tư không lớn, chúng tôi đạt được kết quả thành công gấp 2 lần so với giá trị đầu tư, tiết kiệm được khoảng 45 nhân sự", ông Tiến chia sẻ.
"Robot thường xử lý những công việc thường rất nhàm chán, như tạo báo cáo, nhập liệu và tự động xử lý. Chúng ta cứ hình dung các nhân viên ngày ngày làm những công việc ấy sẽ rất nhàm chán, hiệu quả không cao. Khi áp dụng robotics vào thì nhân viên thoải mái hơn, hệ thống máy móc đảm bảo không sai. Nhiều khi chúng ta tuyển nhân viên vào chỉ để làm đâu đó vài ba tiếng/ngày, nhưng không thể không tuyển. Với 1 con robot, chúng tôi hoàn toàn có thể tận dụng, tối ưu, và robot có thể làm việc 24/24".
Đại diện TPBank cho biết trong năm 2021, ngân hàng này sẽ tiếp tục triển khai thêm 145 robot mới, mà theo vị đại diện đổi mới số, nhờ các nền tảng công nghệ, TPBank tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà cho đến bây giờ, ngân hàng này vẫn là một trong những ngân hàng miễn phí hoàn toàn giao dịch chuyển khoản...
"Điều này cũng mang lại giá trị rất lớn, tiết kiệm một vài trăm tỷ cho cộng đồng", ông Tiến nói. "Đấy cũng là giá trị của chuyển đổi số mang lại".
Những dự án triệu USD được duyệt lúc nửa đêm bằng một email
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam - cho rằng có 4 yếu tố giúp xây dựng một nền tảng chuyển đổi số tốt, gồm: Quan trọng số 1 là Con người (People), Quy trình (Processes), Công nghệ (Tech), và Dữ liệu (Data, được coi như vàng của thời 4.0).
Đồng tình với ý kiến này, ông Tiến cho biết, tại TPBank, lãnh đạo là người cực am hiểu về công nghệ.
"Phần lớn các sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng thì anh Nguyễn Hưng (Tổng Giám đốc TPBank - PV) thường được mời làm diễn giả. Và trong Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng vừa rồi, chính Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú là người lên trình bày về chuyển đổi số và những thành tựu của TPBank", ông Tiến nói.
"Trước khi giữ cương vị Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, tôi phụ trách về quản lý dự án chiến lược. Tôi rất ngạc nhiên khi ở TPBank tôi có thể gửi mail trình bày báo cáo với HĐQT, và sau đó 5ph tôi nhận được mail trả lời của Chủ tịch, hoặc CEO. Và chúng tôi được duyệt những dự án triệu USD vào lúc nửa đêm bằng một email".
Nhìn nhận chung về chuyển đổi số tại ngành ngân hàng, ông Tiến cho biết năm 2020 thực sự là một cuộc bứt phá, và ngành ngân hàng đã chuyển đổi số với tốc độ gấp 5, gấp 10 lần so với trước khi Covid-19 xảy ra.
Ông Tiến cũng chia sẻ 2 yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công từ câu chuyện của TPBank.
Câu chuyện đầu tiên là phải đổi mới tư duy và con người, từ những lãnh đạo cao nhất của tập đoàn.
Câu chuyện thứ 2, trong quá trình chuyển đổi, thực sự công nghệ chỉ là công nghệ. Nếu mua giải pháp thì có thể chọn mua của các nhà cung cấp này, nhà cung cấp kia, nhưng việc tìm được người đồng hành hiểu bài toán, áp dụng công nghệ để khai thác, sử dụng được mới là điều quan trọng.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra. Ngân hàng tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh ở mức cao, thể hiện qua các chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần (CIR) cũng được giảm đáng kể, xuống mức 39.69%, mặc dù trong vài năm qua TPBank đã rất bỏ rất nhiều tiền đầu tư cho ngân hàng số và công nghệ mới. Năng suất lao động bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đến nay, đã đạt gần 800 triệu lợi nhuận/1 nhân viên.
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị