Việc có một cơ chế chính sách, tài chính ngân sách đặc thù được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội thu hẹp khoảng cách này.
6 điểm nổi bật trong cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho TP. Hà Nội
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã chính thức ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 115 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm 1 số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, trong đó, có 6 điểm nổi bật, là những cơ chế chưa có tiền lệ, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Hà Nội huy động, khai thác nguồn lực hiệu quả hơn trước.
Thứ nhất, Hà Nội được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư phát triển.
Thứ 2, được chủ động ban hành và điều chỉnh các loại phí ngoài mức khung Chính phủ ban hành.
Thứ 3, được dùng nguồn thu tiền sử dụng đất sau khi bán tài sản công gắn liền trên đất, và nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn NN cho mục đích đầu tư phát triển.
Thứ 4, được sử dụng kinh phí chi thường xuyên để đầu tư xây mới các hạng mục thiết yếu của của cơ quan hành trình, sự nghiệp công lập, thay vì chỉ được sửa chữa như trước đây.
Thứ 5, được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để triển khai các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thứ 6, TP. Hà Nội được phép dùng ngân sách để hỗ trợ các địa phương khác và các cấp quận của Hà Nội được phép dùng ngân sách để hỗ trợ các cấp huyện, thay vì chỉ theo như phân bổ trước đây.
Cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù phát huy hiệu quả nguồn lực TP. Hà Nội
Hà Nội hiện đóng góp GDP đứng thứ 2 cả nước nhưng thu nhập bình quân trên đầu người hiện chỉ đứng thứ 8 cả nước. Triển khai hiệu quả cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cũng chính là góp phần lan tỏa sự phát triển của thủ đô tới từng người dân, tới từng doanh nghiệp một cách tương xứng nhất.
Ảnh minh họa: TTXVN
Ví dụ, quận Long Biên sẽ phải có 17 công viên vườn hoa và 34 vườn hoa cây xanh kết hợp hồ điều hòa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó chưa thể triển khai, hoặc chưa thể bảo dưỡng do thiếu kinh phí trong khi quận này còn dư 2000 tỷ đồng từ quỹ cải cách chính sách tiền lương không được sử dụng.
Tính chung cả thành phố, còn dư tới 60.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương và quỹ dự trữ tài chính. Không chỉ các dự án nhỏ, mà với cơ chế đặc thù, Hà Nội sẽ có thể tự chủ nguồn lực với các công trình trọng điểm, như tới đây là đường sắt đô thị tuyến Hà Nội đi Hoàng Mai, hay tuyến Văn Cao đi Hòa Lạc, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tuyến.
Chính sách đặc thù không chỉ giúp thành phố tự huy động nguồn lực hiệu quả hơn, mà còn tạo cơ chế để Hà Nội chủ động lan tỏa nguồn lực đó giữa các cấp quận - huyện và giữa Hà Nội với các địa phương khác trên cả nước.
Ảnh minh họa. Dân trí.
Nghị quyết về cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội sẽ có hiệu lực trong 5 năm tới, được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng và kịp thời cho tăng trưởng kinh tế thành phố ngay sau cú sốc COVID-19.
Có cơ sở khai thác nguồn lực tốt hơn, TP. Hà Nội sẽ tránh được việc phải đi phát hành trái phiếu, hay đi vay thêm, phát sinh chi phí tài chính không hiệu quả. Tuy nhiên, với cơ chế mở hơn, các chuyên gia cũng lưu ý, yếu tố minh bạch và kỷ luật tài khóa càng cần được chú trọng hơn hết.
VTV.vn - Với hơn 91,51% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!