Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng qua 1 năm đầy khó khăn đang tạo đà, tạo lực bứt phá cho công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó, tháng đầu tiên của năm 2021 đã ghi nhận những lô hàng về nông, thuỷ sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như: Mỹ, EU, Nhật Bản, hứa hẹn một năm xuất khẩu đầy sôi động.
Nông - thuỷ sản “mở hàng” xuất khẩu
10 giờ sáng 5.1, 8 container hàng, mỗi container chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Khu Công Nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chế biến mở đầu cho thủy sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành tôm vẫn là ngành mang lại giá trị kinh tế cao. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so với 2020, đạt 4,4 tỉ USD.
Ngày 8.1, cũng là một ngày đáng nhớ đối với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam khi Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cũng đã xuất khẩu lô hàng, gồm 8 container các mặt hàng: mực, cá ngừ, bạch tuộc, tôm mũ ni, với tổng trị giá 700.000USD, xuất sang Canada, Mỹ, Australia…
Trước đó, những ngày đầu tiên của tháng 1.2021, Cửa khẩu Quốc tế Kim Thành (Lào Cai) đã làm thủ tục cho 18 bộ tờ khai Hải quan của 12 doanh nghiệp với 516 tấn hàng hóa có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 268.000USD.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu MTV Nam Phong là đơn vị xuất khẩu nông sản “xông đất” đầu tiên, với gần 140 tấn thanh long giá trị xấp xỉ 1,9 tỉ đồng sang thị trường Vân Nam - Trung Quốc. Còn Công ty TNHH Nông sản Hùng Sư xuất khẩu 27,5 tấn dưa lê trị giá 120 triệu đồng.
Việc hàng loạt các lô hàng thuộc ngành Nông nghiệp xuất khẩu trong tháng 1.2021 khẳng định cho quyết tâm tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho toàn ngành khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2020.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - cho biết, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” tốt cho nền kinh tế, vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời vẫn cung cấp nguyên liệu cho nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Tăng chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2021
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) - phân tích, năm 2020, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đã mang về 37,4 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó có 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỉ USD, tôm 3,4 tỉ USD, rau quả đạt 3,0 tỉ USD, hạt điều đạt 2,9 tỉ USD, gạo 2,8 tỉ USD, càphê 2,5 tỉ USD.
“Đây vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2021. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới phải làm sao chuyển từ tăng xuất khẩu về mặt số lượng sang tăng về chất, điều mà Việt Nam chưa làm tốt trong nhiều năm qua” - ông Trương Đình Tuyển nhận định.
Theo ông Tuyển, mặc dù Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng và nhóm hàng khác nhau, nhưng giá trị gia tăng xuất khẩu Việt Nam vẫn thấp khi chủ yếu là gia công xuất khẩu. Chính vì vậy, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần tập trung nâng cao về chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Muốn vậy cần chuyển sang sản xuất xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ; tỉ lệ nội địa cao hơn bằng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là chiến lược xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.
Theo nhận định của một số chuyên gia, năm 2021, ngành lúa gạo và da giày cũng được kỳ vọng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Đối với ngành lúa gạo, theo sự phân bổ năm 2021 của Ủy ban kinh tế Á - Âu (EEC), trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu vào hai trong số năm nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với 10.000 tấn gạo. Đó là Cộng hòa Armenia 400 tấn, Cộng hòa Belarus 9.600 tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, nhóm hàng lúa gạo đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có. Với tình hình hiện nay, dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan.
Đối với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - nhận định: Xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, đối với xuất khẩu, trong năm 2021, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác các thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt cần tích cực mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.
Xem thêm: odl.679968-gnas-meid-al-gnad-nas-yuht-gnon-1202-man-uad-uahk-taux/et-hnik/nv.gnodoal