Nhằm đảm bảo phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, Sở Công Thương TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa trị giá hơn 1.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã vận động doanh nghiệp tiếp tục tham gia chương trình bán hàng thịt heo (lợn) bình ổn phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương TP.Đà Nẵng, sẽ có khoảng 15 - 16 điểm bán tập trung tại các chợ gần các khu dân cư với giá bán được niêm yết công khai. Các điểm bán hàng bình ổn được tổ chức từ ngày 9-11.2.2021 (tức ngày 28 - 30 tháng Chạp âm lịch).
Đặc biệt, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ triển khai đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Mỗi địa điểm sẽ tổ chức một chuyến xe lưu động đưa hàng và phục vụ bán hàng từ các ngày 15-18 tháng Chạp với giá ưu đãi.
Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo nhận định chung, tình hình thị trường hàng hoá phục vụ cho nhu cầu Tết sẽ không có tình trạng khan hiếm hàng. Dự kiến lượng hàng hoá tiêu thụ dịp Tết 2021 không bằng 2020, giá cả sẽ không có biến động lớn.
Toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa mùa với sản lượng hơn 24.000 tấn, rau, quả vụ đông xuân đáp ứng đủ nhu cầu của lương thực, thực phẩm của người dân trong tỉnh hiện nay. Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu của người dân với tổng đàn lợn tăng 3%, đàn gia cầm tăng 5,6%, đàn bò tăng 8,5%.
Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đã yêu cầu, doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - nói rằng, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm dự kiến sẽ tăng cao đột biến của người dân địa phương. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào các khu chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã đề nghị trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; quan tâm chăm lo Tết, cung ứng hàng hoá thiết yếu cho các hộ nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, các đơn vị liên quan phải xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng biên giới; các trường hợp bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Xem thêm: odl.639968-gnod-it-nihgn-gnah-aig-irt-tet-gnah-ib-nauhc-neyugn-yat-gnurt-neim/gnourt-iht/nv.gnodoal