Trong lúc tổng thống đang tức giận vì bị Twitter khoá tài khoản, một số trợ lý khuyên ông tranh thủ cơ hội này để khơi lại những tranh luận về tình trạng thiên kiến của các mạng xã hội và coi quyết định của Twitter là hành động tấn công vào những người ủng hộ ông.
“Việc này không chỉ vì tổng thống Trump mà thực sự là vì 75 triệu người Mỹ ủng hộ ông”, một cố vấn của ông Trump nói với CNN.
Ông Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hoà từ lâu đã cáo buộc các công ty mạng xã hội thiên kiến với những người bảo thủ, cho rằng các mạng xã hội âm thầm cấm cửa các nghị sĩ nổi bật của đảng Cộng hoà.
Nhiều nghị sĩ bảo thủ nhân vụ Twitter khoá tài khoản của ông Trump và các tài khoản liên quan khác để lên án các mạng xã hội. Dù tổng thống và các trợ lý không muốn bị Twitter khoá tài khoản, nhưng quyết định này tạo cơ hội hiếm hoi cho ông để gây phân tán chú ý vào thời điểm ông đang đánh mất sự ủng hộ của đảng Cộng hoà.
Ông Trump vẫn tiếp tục bị nhiều người trong chính quyền kêu gọi từ chức, trong khi đảng Dân chủ đã sẵn sàng viện dẫn điều khoản về luận tội tổng thống và một số nghị sĩ của đảng Cộng hoà công khai bày tỏ khả năng ủng hộ nỗ lực này.
Không chỉ Twitter mà cả Google, Amazon và Apple cũng đang “chèn ép” Parler, một mạng xã hội mà ông Trump và những người ủng hộ có thể chuyển sang sử dụng như phương án B. Reddit, Discord, Shopify, TikTok và Snapchat cũng áp dụng các biện pháp hạn chế.
Donald Trump Jr., con trai Tổng thống Trump, dùng chính Twitter để tuyên bố rằng tự do ngôn luận ở Mỹ “đã chết cùng các tập đoàn công nghệ”. Sau đó, trên Facebook, con trai ông Trump viết: “Quả là một ngày buồn khi các tập đoàn công nghệ có quyền lực hơn cả chính phủ lớn”. Đó là ý kiến được chia sẻ bởi cả hai phe chính trị.
Đối mặt với sức ép lớn trong khi tài khoản bị khoá, ông Trump hôm 7/1 đã đăng một video cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ và lên án bạo lực ở Đồi Capitol. Những người chỉ trích cho rằng hành động đơn giản của những gã khổng lồ công nghệ cho thấy họ có quyền lực lớn như thế nào đối với một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, và cũng cho thấy những tập đoàn đó có quyền cho ai được nói và ai được lắng nghe.
Châu Âu chuẩn bị siết
Thierry Breton, thành viên Ủy ban châu Âu, hôm qua nói rằng vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ sẽ mở đầu cho kỷ nguyên siết chặt kiểm soát mạng xã hội. Ông so sánh cuộc bao vây vào cơ quan lập pháp cao nhất của Mỹ với đợt khủng bố 11/9/2001, dẫn đến chiến dịch truy quét khủng bố toàn cầu.
“Giống như vụ 11/9 đánh dấu bước ngoặt của an ninh toàn cầu, 20 năm sau chúng ta đang chứng kiến vai trò tương tự của các nền tảng kỹ thuật số trong nền dân chủ của chúng ta”, ông Breton viết trong bài đăng trên tạp chí Politico. “Nếu có bất kỳ ai vẫn còn nghi ngờ rằng các nền tảng trực tuyến có phải đã trở thành những nhân tố hệ thống trong các xã hội và nền dân chủ của chúng ta thì những sự kiện ở Đồi Capitol hồi tuần trước là câu trả lời của họ”, ông Breton viết tiếp.
Ông cho rằng bằng việc khoá tài khoản của ông Trump, các công ty truyền thông xã hội cuối cùng đã thừa nhận vai trò, trách nhiệm và phương tiện của họ trong việc ngăn chặn những nội dung lan truyền bất hợp pháp. Ông cho rằng các mạng xã hội giờ không thể trốn trách nhiệm với xã hội rằng họ chỉ cung cấp dịch vụ chia sẻ và lưu trữ.
Trước đó, Hungary vừa chỉ trích Twitter can thiệp vào công việc của họ bằng cách khoá tài khoản của chính phủ. “Hôm nay, những người kiểm duyệt của họ đã ra tay, xoá gần 200 người theo dõi của tôi mà không một lời giải thích. Những hãng công nghệ lớn rao giảng sự khoan dung và đa nguyên. Họ nói mà không làm”, Zoltan Kovacs, phát ngôn viên chính phủ Hungary viết trên Twitter.
Bình Giang
Tiền phong
Xem thêm: nhc.13320338021101202-ioh-ax-gnam-cac-neihc-iad-pmurt-gno/nv.zibefac