Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (thứ hai từ phải sang) trong một buổi đi giao lưu, chia sẻ vốn sống - Ảnh: HIẾU NGUYỄN
Ba năm trước, trên tay anh Hiếu là một chiếc đồng hồ cũ kỹ đi kèm chia sẻ "thành công và hạnh phúc với tôi không còn đồng nghĩa với địa vị, danh vọng", và anh từ chối tất cả những lời mời lương cao để trở về nước.
TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: "Chiếc đồng hồ cũ đó tôi vẫn đeo, tính đến nay cũng gần 20 năm rồi. Và suy nghĩ của tôi vẫn thế. Quan điểm đó không phải hình thành trong một sớm một chiều. Nó là sự đúc kết và chắt lọc sau rất nhiều trải nghiệm, va đập trong cuộc sống.
Tôi từng dừng hẳn mọi việc, kiếm cớ "đi học" MBA tại Đại học Oxford (Anh) dù đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ)... để được tĩnh tâm một năm, được sống chậm, đọc sách, suy ngẫm về nhiều thứ, từ đó mới đúc kết được những điều dùng để neo đậu bản thân, bình an và vững tin hơn về con đường đang đi. Và tôi thấy hạnh phúc.
Công việc mỗi ngày một nhiều, những dạng người và các vấn đề tôi tiếp xúc cũng tăng theo cấp số nhân.
Thế nhưng, tôi hiện ít khi để ý đến mình đạt được cái gì trong mắt người ta mà quan trọng mình đã tạo ra được giá trị gì và bản thân phát triển đến đâu, còn gì có thể tiếp tục cố gắng hay không?
Bình yên với tôi cũng đến từ sự "buông bỏ" những thước đo kia và tập trung vào sức mạnh nội tại của bản thân, những giá trị tích cực tạo ra".
* Xã hội công nghệ khiến con người nói chung, các bạn trẻ nói riêng bị cuốn vào 2 vòng xoáy mạng xã hội và "sống ảo", quay cuồng trong cuộc đua về vật chất. Bạn nghĩ gì về câu chuyện này?
- Có một sự thật là một bộ phận không nhỏ giới trẻ và cả người lớn đang quy chiếu suy nghĩ, thái độ, hành động, lựa chọn của mình ngày càng dựa trên các động lực bên ngoài. Những yếu tố này thường là vật chất bề nổi như thu nhập, địa vị, danh vọng, hình ảnh trên mạng xã hội...
Tất nhiên những điều này không sai, nhưng một khi chỉ chú tâm vào chúng, không có sự cân nhắc và cân bằng thì rất dễ biến bản thân mình thành một "vận động viên" trong cuộc chạy đua không kiểm soát, chẳng rõ đích đến thật sự là gì, để được gì.
Trong khi đó, những động lực bên trong thường tập trung vào phát triển bản thân để hoàn thiện hơn, tri thức được mở rộng và tư duy được đào sâu, hạnh phúc chỉ vì bản thân thấy vậy là đủ mà không cần sự xác nhận hay tung hô của một ai.
Động lực bên trong đúng là khó xây dựng, mất nhiều thời gian hơn nhiều nhưng nó thường bền vững, ý nghĩa hơn.
Động lực bên ngoài chẳng xấu và động lực bên trong không luôn hoàn hảo, nhưng chúng ta cần cân bằng giữa hai điều này một cách có ý thức. Và sẽ là dấu trầm nếu những yếu tố "động lực bên ngoài" đang "thắng thế" trên mạng lẫn cuộc sống.
Điều này dễ dẫn đến việc lệch lạc tư tưởng ở những cá nhân có nhận thức chưa vững vàng, chưa dày vốn sống.
Hệ quả có thể là thời gian và nguồn lực của các bạn được đặt vào những công việc chưa chắc mang lại giá trị tối ưu và hiệu quả cho bản thân, thành công và hạnh phúc thực sự của mình về lâu dài.
* Thực chất, rất khó để chúng ta "thắt lưng buộc bụng", vì hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi liên tục xuất hiện, các ứng dụng cũng được thiết kế, tạo ra những chiến lược, các chương trình khiến giới trẻ "nghiện" mua sắm...
- Đúng là chủ nghĩa tiêu dùng đang len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống. Tôi biết nhiều người mua mà không kiểm soát như thế là đủ hay dư, có thật sự cần hay không.
Các nhà sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ không phải ai cũng có ý thức trách nhiệm "giáo dục" người tiêu dùng về những thói quen tiêu dùng lành mạnh, bền vững, hoặc nếu có ý thức thì chưa chắc chịu làm, vì nhiều lý do tế nhị.
Chúng ta trân trọng cảm xúc và không triệt tiêu nó, nhưng như tôi nói ở trên, phần lớn quyết định cũng cần cân bằng với lý trí. Và nếu sống thuần theo cảm xúc thì đôi khi chúng ta đưa mình vào "hố sâu", còn nếu sống quá lý trí thì đôi khi lại cảm thấy bức bách.
Về việc tiêu dùng, nếu một con người biết phân tích các yếu tố từ nhiều góc nhìn, cân bằng được giữa các hệ giá trị, ví dụ như là giữa giá trị thẩm mỹ và giá trị thực tế, giữa tác động bên ngoài và bên trong, tôi nghĩ sẽ có cách tiêu dùng thông minh và phù hợp với bản thân hơn.
Giáo dục đóng một vai trò quan trọng - cũng như truyền thông, báo chí - trong câu chuyện này. Điều quan trọng là chúng ta phải giúp xây dựng nhận thức, tư duy, thái độ của các bạn trẻ, giúp cân bằng được giữa những giá trị ngắn hạn và những giá trị lâu dài, bền vững.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng để các bạn vượt qua những kỳ thi hay những chuẩn học thuật, quan trọng không kém là giáo dục về tính cách và đạo đức, xây dựng hệ ý thức cho các bạn trẻ để các bạn đủ năng lực tư duy, phân tích và đưa ra quyết định cho bản thân.
* Có chăng sự liên quan giữa tư duy phản biện và thói quen mua sắm tỉnh táo?
- Tôi tin là có. Tư duy phản biện trong cách nghĩ của nhiều người là phản biện ý tưởng của người khác, nhưng đỉnh cao của nó lại là phản biện với chính mình.
Một người có tư duy phản biện vững vàng, biết phân tích vấn đề dưới nhiều góc nhìn, nhận ra phần chìm của tảng băng trong những thông điệp, hình ảnh quảng cáo "có hình mà không có chất"... sẽ tự phản biện lại những thèm muốn, khao khát, tâm lý của bản thân đang bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài lẫn bên trong.
Từ đó, những quyết định họ đưa ra chưa chắc đã hoàn hảo nhưng cũng có sự phản tư, hợp lý hơn.
* Một quyển sách về quản lý tài chính bạn muốn giới thiệu cho các bạn trẻ?
- Thay vì giới thiệu một cuốn sách về quản lý tài chính, tôi lại muốn giới thiệu những cuốn sách chia sẻ về hệ giá trị, những điều xây dựng hạnh phúc thật sự sâu sắc và lâu dài.
Với tôi, khi chúng ta đã hiểu được những điều nền tảng thì mọi quyết định cũng sẽ chắc chắn hơn. Khi đó, những cuốn sách dạy về kỹ năng sẽ hỗ trợ tốt hơn, mà thậm chí nếu không có những cuốn sách dạy cách thức, thì quyết định của mỗi người cũng sẽ chín chắn hơn.
Một số cuốn sách tôi nghĩ là phù hợp: Đường đến tính cách, Khi hơi thở hóa thinh không, Lời hứa cây bút chì, Những điều bạn chỉ thấy khi bạn sống chậm, Ikigai...
* ThS tâm lý LÊ MINH HUÂN (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM):
Vì sao người trẻ "quá tay"?
Hành động tốt hay không tốt đều có sự góp phần quan trọng bởi suy nghĩ, nhận thức... Lâu dần tạo thành các thói quen tương ứng, chi tiêu thiếu kiểm soát hay "quá tay" cũng vậy, có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ:
* Xem trọng cảm xúc cá nhân, thích hưởng thụ: Một khi quá đề cao cảm xúc của chính mình hay theo "chủ nghĩa thích hưởng thụ" thì cá nhân dễ sa đà vào việc nuông chiều cảm xúc bằng vật chất mà cạn nghĩ, cạn lo.
* Thiếu kỹ năng quản lý chi tiêu: Quản lý tiền bạc, quản lý các khoản thu - chi thực ra là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Một người biết tính toán kỹ càng, thì một đồng bỏ ra phải mang lại giá trị gì, làm sao để thu lại từ đó và khi nào thì nên chi tiêu, lúc nào thì không.
* Đánh giá không đúng giá trị đồng tiền, sức lao động hay năng lực làm việc, tạo kinh tế của cá nhân: Ông bà mình khuyên làm gì cũng phải "nhìn xa, trông rộng" hay "biết người, biết ta"... nên nếu thiếu tầm nhìn xa, thiếu biết mình và "biết tiền" thì khó cân bằng cuộc sống.
* Theo trào lưu và khoe mẽ, thể hiện bản thân:
Chúng ta cần lưu ý rằng sau những hân hoan, hứng thú vì đạt được mong muốn, cảm giác thỏa mãn sở thích cá nhân do chi tiêu bất hợp lý, vay mượn tiền bạc để làm điều mình muốn mà không quan tâm, đắn đo "chuyện ngày mai" là một loạt những trắc trở, lo âu mà người trong cuộc phải đối mặt, bên cạnh những mất mát từ sức khỏe, mối quan hệ đến cảm nhận hạnh phúc của cá nhân.
Điều tôi muốn nhắn nhủ, trước tiên từ phụ huynh. Con càng nhỏ càng phải dạy cẩn thận và trong số những chuyện nhất định phải dạy thì không thể không kể đến kỹ năng "quản lý tiền bạc".
Đối với các bạn trẻ, phải biết "liệu cơm gắp mắm". Còn học sinh, dùng tiền gia đình phải cân nhắc, cái gì cần thiết mới tiêu...
Cái đẹp sau cùng không phải đến từ vật chất bên ngoài mà từ cách chúng ta sống, chúng ta cảm nhận và cho đi.
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
TTO - Đây là dự án do The New Savvy - tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đồng hành với phụ nữ về quản lý tài chính, đầu tư nghề nghiệp hàng đầu châu Á - vừa tổ chức dành cho nữ công nhân.