Công nghệ thông tin vào danh sách ngành công nghiệp trăm tỉ đô la
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Năm 2020, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam ước đạt 120 tỉ đô la Mỹ. Chính phủ đang muốn nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngành này trong thời gian tới bằng việc sẽ ban hành những chính sách, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy ngành công nghiệp dựa trên nguồn lực chất xám này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai, bên trái) tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm của Bkav, một công ty công nghệ. Ảnh minh họa: BTC |
Công nghiệp phần cứng đóng vai trò chủ đạo
Năm 2020, trong doanh thu hơn 120 tỉ đô la Mỹ của toàn ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghiệp phần cứng đóng góp 107 tỉ đô la, công nghiệp phần mềm đóng góp hơn 5 tỉ đô la, còn công nghiệp nội dung số là hơn 900 triệu đô la.
Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Tính đến hết năm 2019, về cơ bản lĩnh vực công nghiệp CNTT đã hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Cụ thể, ngành có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%, cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế, cao hơn chỉ tiêu ngành (chỉ tiêu 10%).
Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình giai đoạn 2016-2018 là 15%. Công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông tốc độ tăng trưởng trung bình là 20,24%. Công nghiệp nội dung số tốc độ tăng trưởng trung bình là 7,47%. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu đô la Mỹ.
Giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông: đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện. Đây cũng là hai mặt hàng chiếm vị trí số 1 và số 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2019 xuất siêu trong lĩnh vực phần cứng, điện tử ước đạt 28 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số.
Cần kiến tạo môi trường phát triển bền vững
Mặc dù doanh thu ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã phát triển khá mạnh trong thời gian vừa qua. Song Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, môi trường pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, ưu đãi thuế, thu hút đầu tư còn chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho quá trình phát triển của lĩnh vực này.
Các nội dung liên quan đến công nghiệp CNTT quy định tại Luật CNTT năm 2006 cùng với các văn bản hướng dẫn luật (Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của luật công nghệ thông tin về công nghiệp CNTT, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung) cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển.
Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách không có khoản mục chi cho phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông nên Nhà nước khó hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách của nhà nước chưa đồng bộ, hệ thống và thường xuyên.
Địa phương khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT, thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phát triển, xúc tiến đầu tư, khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp CNTT để hoạch định chính sách.
Hơn 90% doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại sản phẩm CNTT.
Chưa nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đủ tích lũy vốn và có chiến lược, tiềm lực để tham gia vào các chuỗi sản xuất, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT tiên tiến. Các hạn chế này càng trở nên rõ nét trong các xu hướng công nghệ hiện nay, khi mà nhiều giải pháp CNTT đòi hỏi có sự tích hợp các nền tảng, kỹ thuật khác nhau với quy mô triển khai trong môi trường công nghiệp.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn bởi doanh nghiệp CNTT, nhất là doanh nghiệp phần mềm, nội dung số không có tài sản gì ngoài tài sản trí tuệ, con người nên không dùng thế chấp để được vay vốn ngân hàng.
Doanh nghiệp công nghệ số đặc biệt là doanh nghiệp nội dung số hiện nay đang có tình trạng “bảo hộ ngược” do việc không tuân thủ các quy định thuế, đăng ký kinh doanh, rà soát nội dung của các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới. Do đó, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát triển đội ngũ doanh nghiệp tỉ đô la
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 cho ngành này như sau: tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tính trên 1.000 dân đạt 0,6; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm 2,5 lần GDP; tốc độ phát triển doanh nghiệp công nghệ số hàng năm 20% - 30%; tỉ lệ tăng năng suất lao động hàng năm tại các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số 7% - 10%.
Kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025: xây dựng ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp từ 2 - 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Đứng đầu trong các ngành có giá trị hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đến năm 2025, Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp CNTT, điện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. có tối thiểu 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT trên 1 tỉ đô la Mỹ.
Sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước chiếm 50-70% thị trường mua sắm của các cơ quan nhà nước.
Năm 2024 Việt Nam có trên 70.000 doanh nghiệp công nghiệp CNTT. Trong đó tối thiểu 10 doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên một tỉ đô la Mỹ. Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay, ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông là ngành dẫn đầu về đóng góp ngân sách nhà nước và xuất siêu của nền kinh tế Việt Nam. Việc triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp lớn hơn nữa cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.
Cơ quan quản lý ngành này cũng đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy công nghiệp CNTT phát triển. Trong đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc yêu cầu, bắt buộc các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam.
Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông theo hướng chuyển từ tư duy "quản lý" sang tư duy "gỡ bỏ các rào cản". Đề xuất Chính phủ để tháo gỡ kịp thời nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo tạo động năng lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế số, xã hội số, con người số, bao gồm:
Ban hành chính sách thử nghiệm cho: các sản phẩm, giải pháp công nghệ số mới; các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới (kinh tế nền tảng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ nhằm bảo đảm sức mạnh quốc gia, cân đối giữa hội nhập và tự chủ trong lĩnh vực công nghệ số Việt Nam. Lập đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghệ số.
Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, điều kiện lựa chọn những sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển thành công để đưa vào danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
Tạo ra cơ chế doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất, giải pháp công nghệ số (5G, IoT, AI...) thúc đẩy sản phẩm công nghệ số được sản xuất, sáng tạo bởi người Việt Nam. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ báo cáo, thống kê ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định đối với việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin xuyên biên giới nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư như: nghiên cứu và đề xuất việc hình thành Quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các khu công nghệ thông tin tập trung. Hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... ở những địa phương không có khu công nghệ thông tin tập trung.
Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm bố trí, huy động các nguồn lực, kiến tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Xem thêm: lmth.al-od-it-mart-peihgn-gnoc-hnagn-hcas-hnad-oav-nit-gnoht-ehgn-gnoc/595213/nv.semitnogiaseht.www