Ngày 11-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 không nhằm mục đích tìm “người để đổ lỗi”, theo đài Channel News Asia ngày 12-1.
Nhóm chuyên gia của WHO gồm 10 thành viên sẽ đến Trung Quốc - nơi phát hiện ra trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên cách đây hơn một năm trước tại thành phố Vũ Hán - vào ngày 14-1 để điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Các nhà khoa học Trung Quốc sẽ đồng hành cùng nhóm chuyên gia này trong quá trình điều tra.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO – ông Michael Ryan cho biết cuộc điều tra này là tìm câu trả lời về mặt khoa học, không phải về mặt chính trị.
Các chuyên gia y tế tin rằng việc tìm ra câu trả lời về cách thức lây nhiễm virus từ động vật sang người là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đang xuất hiện các biến thể mới, nhằm kịp thời ngăn chặn cho một đại dịch khác tương tự trong tương lai.
“Các nghiên cứu sẽ bắt đầu ở thành phố Vũ Hán nhằm xác định nguồn lây nhiễm tiềm ẩn của các ca nhiễm ban đầu. Các bằng chứng khoa học sẽ thúc đẩy các giả thuyết và trở thành cơ sở cho các nghiên cứu dài hạn” – Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
WHO dự kiến cuộc điều tra sẽ được thực hiện vào tuần trước, song Trung Quốc bất ngờ tuyên bố hoãn cho phép nhóm chuyên gia của WHO nhập cảnh để điều tra. Sự việc đã khiến các thành viên của nhóm phải thay đổi kế hoạch đến Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO – ông Michael Ryan. Ảnh: REUTERS
Gần đây, ở Anh và Nam Phi phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn. WHO cho biết dù khả năng lây lan của biến thể mới này cao hơn 70%, song không có bằng chứng nào cho thấy nó nguy hiểm hơn các biến thể đã biết trước đây của COVID-19.
“Virus SARS-CoV-2 càng lan rộng thì càng có khả năng sẽ xuất hiện thêm các biến thể COVID-29 mới, và khả năng lây truyền của nó có thể sẽ nhanh hơn” – ông Tedros cho biết.
Theo số liệu từ trang thống kê Worldometer, tính đến ngày 12-1, thế giới đã ghi nhận hơn 91 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó gần hai triệu ca tử vong.