Ngày 12-1, dự hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá trong bối cảnh khó khăn nhưng EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Đến nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW); điện thương phẩm đạt 216,95 tỉ kWh đạt 100,12% kế hoạch và tăng 3,42% so với năm 2019.
Theo Phó Thủ tướng, công tác dịch vụ khách hàng đã được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện gần 12.300 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành điện đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng như những cơ hội để phát triển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh EVN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện còn nhiều bất cập. Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, trong khi công nghệ của một số nhà máy đã lạc hậu.
"Yêu cầu phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời… sẽ tạo ra thách thức lớn đối với công tác điều độ an toàn, hiệu quả hệ thống điện. Vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, nhưng việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước ngày càng cạn kiệt (than, thuỷ điện, khí tự nhiên…) trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn"- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đặc biệt, việc phân bổ nguồn điện và phụ tải còn lệch pha giữa các vùng, miền, cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo EVN tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn.
Đặc biệt lưu ý đến quy hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất nguồn điện, truyền dẫn điện đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt.
Đối với Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
Nhắc đến việc phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái, không để tình trạng trục lợi chính sách.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành điện cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện năng.