Mới đây, chủ đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã báo cáo UBND TP.HCM về thiệt hại do tạm dừng trong hơn 1 tháng qua.
Đại diện công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - Chủ đầu tư cho biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng từ cuối năm 2020 đã không thể tiếp tục thực hiện theo lộ trình.
Bởi lẽ, theo Phụ lục Hợp đồng BT số 4769/2019/PL-UBND ký 18/11/2019 giữa UBND TP.HCM và doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn vào 26/6/2020.
Nhưng đến nay (tháng 1/2021), chính quyền TP.HCM vẫn chưa ký kết để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Vì thế, phía doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho hay: “Trên tinh thần cuộc họp ngày 3/12/2020, UBND TP.HCM có chỉ đạo là không dừng dự án. Nhưng khi Phụ lục Hợp đồng BT chưa được ký, doanh nghiệp không biết sẽ triển khai dự án bằng cơ sở pháp lý nào”.
Hiện tại, nhà đầu tư đang lúng túng trước thiệt hại từng ngày như: Chi phí nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, chi phí khấu hao vật tư biện pháp thi công, chi phí thuê kho bãi bảo quản các thiết bị chưa lắp đặt tại công trình, chi phí quản lý dự án,… Đặc biệt là chi phí lãi vay ước tính hơn 45,6 tỷ đồng.
“Việc kéo dài thời gian hoàn thành hay không thể tiếp tục triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm vì lỗi này không xuất phát từ chúng tôi”, ông Sơn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, dự án được khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Song, do nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng nên dự án phải ngưng thi công liên tục trong 10 tháng.
Được tái khởi động vào tháng 2/2019, điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 nhưng dự án lại đang “dẫm chân tại chỗ” dù khối lượng thi công sắp hoàn thành.
Trong khi đó, tình hình thực hiện dự án kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh hàng nghìn tỷ đồng. Những phát sinh không hợp lý sẽ dẫn đến vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM.
Bên cạnh đó, với việc ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho Dự án và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của TP.HCM thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi.
Dự án có thể sẽ đi đến bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành. Bảo hiểm của Dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình giao thông thủy... sẽ rất cao và thiệt hại rất lớn.
Xác nhận với PV, đại diện Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, đã nhận được báo cáo của công ty TNHH Trung Nam BT 1547 và đang trình lãnh đạo tổ chức làm việc, giải quyết.