Hậu Giang làm dịch vụ du lịch theo nhu cầu thị trường
Thu Thảo
(TBKTSG Online) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng du khách đến Hậu Giang trong năm 2020 giảm hơn phân nửa so với năm 2019, còn khoảng 230.000 lượt, tổng doanh thu khoảng 93 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, các sản phẩm du lịch của tỉnh được nâng cao chất lượng, đội ngũ nhân sự được đào tạo và huấn luyện để nâng cao tay nghề.
Nhiều địa phương của tỉnh đã nỗ lực khai thác tiềm năng du lịch, từ việc xây dựng hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, kêu gọi đầu tư, đến việc xây dựng ý thức, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về du lịch, nhất là hướng dẫn nông dân làm du lịch. Các cuộc hội thảo về phát triển du lịch, các chuyến học tập kinh nghiệm cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của các địa phương và người dân. Nhận thức về làm du lịch của người dân dần thay đổi theo hướng thị trường, hình thành sản phẩm theo nhu cầu chứ không phải cung cấp những cái có sẵn.
Một trong những điểm nhấn của ngành công nghiệp không khói trong năm qua có thể kể đến là giải “Mekong Delta Marathon Hậu Giang 2020” thu hút hơn 21.000 lượt khách với chuỗi sự kiện văn hóa - ẩm thực và du lịch, tạo dấu ấn trong lòng vận động viên, du khách về một Hậu Giang thân thiện, nghĩa tình.
Tại một khu homestay sắp khai trương của của người dân ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Thu Thảo |
Huyện Châu Thành A có nhiều nỗ lực trong xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch cộng đồng do người dân tự bỏ vốn xây dựng, có quy mô lớn nhất tỉnh hiện nay.
Ông Nguyễn Út Em, một hộ dân tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đang hoàn thiện 8 ngôi nhà mới để chuẩn bị đón khách trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Gia đình ông đi theo hướng phát triển loại hình du lịch homestay, liên kết với 10 nhà vườn có trên 9 héc-ta cây ăn trái, hình thành các tour du lịch trải nghiệm miệt vườn, một xu hướng du lịch đang phát triển mạnh tại vùng đồng bằng.
Bà Dương Thị Nhỏ, vợ ông Nguyễn Út Em, chia sẻ: “Tôi thích làm du lịch lắm, hồi đó tới giờ không có dịp, giờ được tỉnh tạo điều kiện thì bắt tay vào làm, một phần cũng do gia đình có mặt bằng để đầu tư làm du lịch”.
Vừa qua, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang đã khởi công xây dựng tổ hợp khách sạn 4 sao và chợ du lịch Xà No được xem là hạt nhân kết nối các điểm du lịch tiềm năng như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Kênh Xáng Xà No… với các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL.
Dự án rộng này hơn 4.000 mét vuông, tổng mức đầu tư hơn 242 tỉ đồng, gồm khách sạn 4 sao, công viên sự kiện, chợ du lịch và bến tàu. Dự kiến cuối năm nay tổ hợp này sẽ đi vào hoạt động góp phần hình thành và phát triển kinh tế đêm tại thành phố Vị Thanh và là điểm nhấn cho du lịch Hậu Giang.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng đã thông qua đề án tạo dựng hình ảnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với bộ nhận diện chuẩn hóa hình ảnh du lịch, nông nghiệp, môi trường đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tăng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trong năm 2021, về góc độ của ngành du lịch, có định hướng là sẽ phát triển du lịch theo cộng đồng, thêm nhiều homestay trên cơ sở nhu cầu của các nhà tư vấn, các doanh nhân đến thăm dò định hướng giúp cho Hậu Giang. Bước đầu sẽ chọn các huyện có tiềm năng, khai thác vận hành các homestay; tiếp đó là khai thác nguồn du lịch của nhà đầu tư trên địa bàn và nâng chất các hoạt động này”.
Tại Lễ khởi công Tổ hợp khách sạn 4 sao và chợ du lịch Xà No tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Thu Thảo |
Bước vào năm 2021, ngành du lịch Hậu Giang bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 6-12-2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2024. Nghị quyết này tập trung vào 4 lĩnh vực để đưa lịch Hậu Giang dần phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Đầu tiên là hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp xây dựng khách sạn dành cho các dự án đầu tư khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Định mức hỗ trợ 30 triệu đồng/phòng ngủ, mức hỗ trợ tối đa 1,5 tỉ đồng/dự án, tương ứng với suất đầu tư 50 phòng ngủ tiêu chuẩn theo quy định. Đối với khách sạn đạt chuẩn 4 sao, 5 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng/phòng ngủ, mức hỗ trợ tối đa 4 tỉ đồng/dự án, tương ứng với suất đầu tư 80 phòng ngủ tiêu chuẩn theo quy định.
Các công trình xây dựng nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, quà tặng du lịch, quà lưu niệm Hậu Giang, từ 200 mét vuông trở lên, không bao gồm bãi đỗ xe, khuôn viên, tiểu cảnh, hoa viên tạo cảnh quan, đáp ứng năng lực phục vụ tối thiểu 100 khách cùng một lúc, mức hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng/dự án.
Với công trình xây dựng khu mua sắm, đồ lưu niệm, hàng đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ có xuất xứ trong nước, tại các khu, điểm tham quan du lịch hoặc tại các trung tâm đô thị rộng tối thiểu 200 mét vuông, sức chứa từ 100 khách trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/dự án.
Dự án phát triển du lịch cộng đồng, kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) của các tổ chức, hộ gia đình làm du lịch phục vụ tối thiểu từ 20 khách trở lên cũng được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc trong nhà phục vụ khách lưu trú. Định mức hỗ trợ, với dự án phục vụ từ 20-40 khách là 50 triệu đồng/dự án; với dự án phục vụ từ 40 khách trở lên là 60 triệu đồng/dự án.
Nghị quyết này là sự đồng hành của chính quyền với người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Quan trọng là người dân, doanh nghiệp sẽ tận dụng những hỗ trợ này như thế nào để ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh tiếp tục bứt phá đi lên.
Xem thêm: lmth.-gnourt-iht-uac-uhn-oeht-hcil-ud-uv-hcid-mal-gnaig-uah/995213/nv.semitnogiaseht.www