vĐồng tin tức tài chính 365

ASEAN đẩy nhanh tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19

2021-01-12 17:06

ASEAN đẩy nhanh tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà từ ngày mai 13-1. Singapore thành lập các trung tiêm chủng ngừa cho nhiều người cùng lúc. Nhiều thành phố ở Philippines chạy đua mua vaccine ngừa Covid-19 của phương Tây để thực hiện tiêm chủng miễn phí. Trong khi đó, Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài đến tháng 8-2021 vì hệ thống y tế có nguy cơ vỡ trận.

Cảnh sát vũ trang Indonesia canh gác xe chuyên chở vaccine của hãng Sinovac chuẩn bị cho đợt tiêm chủng đại trà ngày 13-1. Ảnh: Reuters

Sáng 13-1, dự kiến Tổng thống Joko Wido sẽ là công dân Indonesia đầu tiên tiêm vaccine của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid. Sau đó, vaccine của Sinovac sẽ được tiêm cho 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu.

Indonesia là nước đầu tiên sau Trung Quốc chuẩn thuận sử dụng vaccine Sinovac rộng rãi. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Indonesia cho thấy vaccine của hãng dược Trung Quốc đạt hiệu quả 65,3% - giám đốc BPOM Penny Lukito cho biết.

Tỷ lệ này thấp hơn con số 78% trong thử nghiệm vaccine Sinovac ở Brazil và thấp hơn nhiều so với mức 91,25% ở Thổ Nhĩ Kỳ - theo Reuters.

Vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac được Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Indonesia BPOM  chuẩn thuận hôm 11-1. Indonesia đã nhận được tổng cộng 15 triệu liều vaccine Sinovac trong thỏa thuận đặt mua 125,5 triệu liều từ Sinovac.

Ngoài Sinovac, Indonesia còn đặt mua vaccine của Moderna và Pfizer với các lô vaccine dự kiến sẽ được giao từ cuối quí 2 trở đi.

Nước này đưa ra chiến lược ưu tiên tiêm chủng cho người dân ở độ tuổi lao động từ 18-59 tuổi bên cạnh nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên công vụ, thay vì tập trung cho người cao tuổi và bệnh nền như chiến lược của các nước phương Tây. Chính phủ Indonesia cho rằng “tầng lớp tiêu dùng 18-59 tuổi sẽ đòn bẩy thúc đẩy hồi phục kinh tế”.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Singapore sẽ sớm mở các trung tâm tiêm chủng để có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho số đông cùng lúc, bên cạnh các phòng khám và cơ sở y tế đạt chất lượng.

Hiện Singapore đang sử dụng vaccine của hãng Pfizer với ưu tiên dành cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi. Mũi tiêm đầu tiên được thực hiện ngày 30-12 và các đợt tiêm dành cho người cao tuổi sẽ bắt đầu từ tháng 2 tới – sớm hơn dự định nhiều tháng.

Ngành y tế Singapore đang nghiên cứu các dữ liệu lâm sàng của hai loại vaccine do hãng dược Moderna và Sinovac sản xuất và sẽ chuẩn thuận nếu đạt tiêu chuẩn của Singapore. Đảo quốc này đã đặt mua đủ vaccine cho toàn bộ dân số khoảng 6 triệu người. Chính phủ tuyên bố tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc.

Philippines sẽ tiến hành tiêm chủng cho 50.000 người dân đầu tiên trong tháng 2 tới sau khi được Sinovac bảo đảm cung cấp 25 triệu liều vaccine. Philippines cũng đặt mua 30 triệu liều vaccine Covavax của Viện Serum Ấn Độ và 40 triệu liều thông qua chương trình vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong quí 1.

Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng 2/3 tổng dân số vào cuối năm nay. Nhưng các nhà quan sát nói mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số chỉ có thể hoàn tất trong năm 2023.

Lần đầu tiên trên thế giới, chính quyền địa phương các thành phố ở Philippines gia tăng nỗ lực tìm nguồn vaccine riêng cho cư dân của mình.

Thành phố Quezon thuộc khu vực đại đô thị Metro Manila đã dành nguồn quỹ riêng 1 tỉ peso (hơn 20 triệu đô la Mỹ) để đặt mua 750.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca để tiêm miễn phí cho 320.000 cư dân của thành phố.

Các thành phố khác như Valenzuela, Calootan và Malapitan ở Metro Manila và nhiều tỉnh có tiền khác cũng noi theo và đặt bút ký các hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca với giá 10 đô la mỗi liều.

Đây là lần đầu tiên Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ khi bạo động chủng tộc bùng nổ năm 1969. Tình trạng khẩn cấp này dự định kéo dài đến ngày 1-8-2021 trừ phi dịch bệnh được khống chế sớm hơn. Một ủy ban độc lập sẽ được thành lập nhằm tư vấn cho Quốc vương về tình trạng khẩn cấp nên kéo dài trong bao lâu.

Hôm nay 12-1 Quốc vương Malaysia Abdullah Ri'ayatuddin đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần có hiệu lực từ ngày 13-1.

Quốc hội Malaysia cũng tạm ngưng hoạt động. Các cuộc bầu cử địa phương cũng tạm hoãn cho đến khi ủy ban độc lập tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Đồng ringgit đã giảm 0,6% ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, các chỉ số chứng khoán cũng lao dốc.

“Tôi xin bảo đảm rằng chính quyền dân sự sẽ tiếp tục hoạt động. Tình trạng khẩn cấp này không phải là một cuộc đảo chính quân sự, lệnh giới nghiêm sẽ không được ban hành”, Thủ tướng Muhyddin tuyên bố trong một diễn văn phát trên truyền hình.

Số ca nhiễm mới đã tăng vọt trong vài tuần qua với trung bình hơn 2.000 ca mỗi ngày. Số ca nhiễm tăng hàng ngày tính trên một triệu dân cư của Malaysia đang đứng đầu khu vực.

Số liệu của Đại học John Hopkins cho thấy: Tính đến hôm 10-1, con số trung bình mỗi ngày trong tuần vừa qua của Malaysia là 74,66. Trong khi con số của Indonesia chỉ 32,73 và Philippines thấp hơn nhiều với 12,88. Chính phủ Malaysia cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ bị vỡ.

Malaysia đã đặt thêm 12,2 triệu liều vaccine của Pfizer hôm 11-1. Trước đó, nước này đã đặt mua 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer, 6,4 triệu liều của AstraZeneca và 6,4 triệu liều từ chương trình COVAX của WHO. Trong hôm nay, một công ty Malaysia đã ký hợp động mua 14 triệu liều của Sinovac với kỳ vọng vaccine sẽ được giao vào cuối tháng 3. Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng 60% tổng dân số trong năm nay.

Một số chính trị gia đối lập ở Malaysia đã cáo buộc nội các của Thủ tướng Muhyddin đã thất bại trong khống chế dịch và “quá phụ thuộc và trông chờ vào vaccine khi nguồn vaccine này chưa sẵn có và cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài”.

Dịch bệnh đã làm bộc lộ những thất bại trong quản lý nhà nước

Đông Nam Á đã khống chế dịch tốt hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, trừ khu vực Đông Bắc Á. Nhưng tốt hơn không có nghĩa là tốt và hoàn hảo. Và dịch bệnh đã bộc lộ những thất bại trong quản lý nhà nước ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Vaccine có thể được tiêm chủng rộng rãi trong năm nay. Nhưng vaccine không thể là thuốc trị bá bệnh đối với quản trị nhà nước. Các quốc gia này sẽ phải chật vật để không bị dịch nhấn chìm.
Làn sóng bùng phát tiếp theo của dịch có thể làm suy giảm những thành tựu kiểm soát dịch bệnh của khu vực. Tránh căn bệnh tự mãn và duy trì ổn định xã hội sẽ là những thách thức nghiêm trọng của các nước ASEAN. Các đợt bùng phát có thể xảy ra. Thiệt hại kinh tế sẽ gia tăng và cái giá phải trả cuối cùng chưa thể lượng giá được.
Đông Nam Á phải chuẩn bị cho khả năng tồi tệ nhất trong năm 2021. Khu vực này có thể tăng trưởng tốt nếu tình hình dịch không xấu đi.

Bilahari Kausikan, nguyên Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, bình luận trên Nikkei Asia

 

Xem thêm: lmth.91-divoc-augn-eniccav-art-iad-gnuhc-meit-hnahn-yad-naesa/316213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ASEAN đẩy nhanh tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools