Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.
Ngành điện thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.
Tập đoàn EVN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN. (Ảnh VGP)
Bên cạnh đó, EVN tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng; tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội.
Hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện khoảng 12.300 tỷ đồng
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực vượt qua, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Đến nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW). Điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh (đạt 100,12% kế hoạch và tăng 3,42% so với năm 2019).
Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống. EVN chủ động phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện (than, khí, dầu); đáp ứng đủ điện cho sản xuất của các doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt và vượt mục tiêu đề ra.
EVN đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn. Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngành điện nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời thực hiện hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện (khoảng 12.300 tỷ đồng).
EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện, đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng; thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo; tích cực triển khai các dự án điện nông thôn được giao; góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lên 87,9%. 100% số xã trên cả nước có điện; 99,54% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.
Ngành điện cũng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới, thể hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển cộng đồng (tổng giá trị khoảng 247 tỷ đồng).
VTV.vn - EVN đang hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021 sau khi vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!