Ngày 11-1, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia "bảo trợ khủng bố". Động thái này của chính quyền ông Trump rất có thể sẽ gây cản trở đến đường lối ngoại giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden, kênh Channel News Asia đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ xác định Cuba "liên tục hỗ trợ hành động khủng bố quốc tế thông qua việc cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những phần tử khủng bố". Đồng thời, vị Ngoại trưởng cũng cáo buộc Cuba có mối quan hệ với quân nổi dậy Colombia, “can thiệp ác ý vào Venezuela và phần còn lại của Tây bán cầu”.
"Với những hành động này của phía Cuba, chúng tôi sẽ một lần nữa buộc chính phủ Cuba phải chịu trách nhiệm và gửi một thông điệp rõ ràng: Họ phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế và hủy hoại công lý Mỹ" - ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS
“Người dân Cuba luôn có mong muốn về một chính phủ dân chủ và tôn trọng quyền con người, gồm tự do tôn giáo, biểu đạt và kết giao. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ họ để đạt được điều họ muốn” - Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Đây là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định của ông Pompeo trong những ngày tại vị cuối cùng của ông.
Kể từ hôm 9-1, ông Pompeo cũng đã liệt nhóm phiến quân Houthi ở Yemen là một nhóm khủng bố. Ngoài ra, trong danh sách đen này còn có ba quốc gia khác là Iran, Triều Tiên và Syria. Năm ngoái, ông Trump đã loại Sudan khỏi danh sách sau khi nước này thực hiện quá trình chuyển đổi, bồi thường các cuộc tấn công trong quá khứ và công nhận nhà nước Israel.
Trước đó, vào năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa Cuba ra khỏi danh sách đen các nhà nước bảo trợ khủng bố khi ông tiến tới bình thường hóa quan hệ với Havana. Đồng thời, ông cũng tuyên bố nỗ lực kéo dài nửa thế kỷ của Mỹ nhằm cô lập hòn đảo này đã thất bại.
Sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã đảo ngược nhiều quyết định của ông Obama đối với Cuba và cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela. Lập trường này của ông Trump đã giúp ông giành được sự ủng hộ của các cộng đồng nhập cư ở bang Florida, bang quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Biden đã chỉ ra rằng ông muốn đảo ngược ít nhất một vài cam kết bắt đầu dưới thời ông Obama và bị ông Trump chặn. Các cam kết ông muốn thay đổi bao gồm việc cho phép người Mỹ gốc Cuba thăm gia đình và gửi tiền.
Để loại Cuba khỏi danh sách khủng bố, ông Antony Blinken - người được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng - sẽ cần phải bắt đầu cuộc đánh giá cho thấy Havana không tham gia vào bất kỳ hoạt động khủng bố nào trong 6 tháng qua.
Đáp trả lại động thái của Mỹ, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez gọi quyết định này của Mỹ là “đạo đức giả và bất chấp đạo lý”.
“Những người thực sự quan tâm đến tai họa của chủ nghĩa khủng bố và các nạn nhân của nó đều nhận ra chủ nghĩa cơ hội chính trị Mỹ” - ông viết trên nền tảng Twitter.